Thực hiện “địa phương quyết, địa phương làm” trong quản lý tài sản công sau sáp nhập
Trước kiến nghị của cử tri TP. Hải Phòng và tỉnh Đồng Nai về việc ban hành quy định cụ thể nhằm khai thác hiệu quả trụ sở hành chính, trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng và các tài sản công khác sau sáp nhập đơn vị hành chính, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời, khẳng định đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công, tránh lãng phí.

Theo Bộ Tài chính, để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, từ cuối năm 2024 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật số 56/2024/QH15 và Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Chính phủ đã ban hành 12 Nghị định liên quan; Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định và 2 Công điện. Bộ Tài chính cũng đã ban hành 1 Thông tư và 9 văn bản hướng dẫn cụ thể nguyên tắc, hình thức, thẩm quyền và trách nhiệm trong bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản công khi sáp nhập đơn vị hành chính.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã thành lập các tổ công tác, đoàn công tác liên ngành làm việc trực tiếp với địa phương để hướng dẫn, đôn đốc thực hiện. Đồng thời, Đảng ủy Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Đảng ủy Chính phủ để trình Bộ Chính trị về việc rà soát tổng thể và xây dựng phương án bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Để bảo đảm việc khai thác hiệu quả, triệt để các công trình, tài sản công dôi dư, các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ các nguyên tắc khi xử lý tài sản sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo đó, các địa phương phải kiểm kê đầy đủ tài sản để xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý và bàn giao, tiếp nhận, bảo đảm không làm gián đoạn nhiệm vụ, tránh thất thoát, lãng phí. Việc bố trí, xử lý tài sản cần phù hợp với đối tượng quản lý, tính chất và đặc điểm của tài sản, tận dụng tối đa nguồn lực hiện có, nhưng đồng thời phải có tầm nhìn dài hạn để phục vụ mục tiêu phát triển của địa phương và Nhà nước.
Bộ Tài chính ưu tiên chuyển đổi công năng trụ sở dôi dư thành các cơ sở y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa – thể thao, phục vụ các mục đích công cộng. Với các trụ sở và cơ sở hoạt động sự nghiệp không còn sử dụng, sau khi đã thực hiện các phương án ưu tiên nêu trên, sẽ được thu hồi và giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà hoặc tổ chức phát triển quỹ đất tại địa phương để quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý này nhằm phục vụ các mục tiêu lâu dài của Nhà nước, đồng thời có thể cho thuê, bố trí sử dụng tạm thời hoặc bảo quản tài sản phù hợp với nhu cầu thực tế.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong khuôn khổ thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ đã trình Quốc hội thông qua Luật số 90/2025/QH15, sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Hải quan, Luật Thuế, Luật PPP và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (thay thế các Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, 114/2024/NĐ-CP và 50/2025/NĐ-CP) và trình Chính phủ tại Tờ trình số 376/TTr-BTC ngày 29/6/2025.
Dự thảo nghị định lần này đặc biệt nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, giúp các địa phương chủ động hơn trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính, góp phần phòng tránh lãng phí, thất thoát và nâng cao hiệu quả đầu tư công.