Đẩy mạnh đầu tư công: Cổ phiếu nào hưởng lợi?
Theo nhận định của KB Securities, việc đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy tiêu thụ vật liệu xây dựng, trong đó Tập đoàn thép Hòa Phát nhiều khả năng sẽ là người hưởng lợi đáng kể...
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, mức tăng trưởng thấp nhất trong 11 năm qua khi tất cả các ngành kinh tế đều bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19. Nhằm tránh suy giảm kinh tế vì đại dịch, từ đây đến cuối năm lĩnh vực đầu tư công dự kiến sẽ trở thành công cụ kích thích mới của Chính phủ. Mới đây, Chính phủ cho biết sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía đông và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khiến đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực nước ngoài gặp nhiều khó khăn, sự chủ động tích cực trong công tác giải ngân vốn đầu tư công và quyết định chuyển đổi 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công là một điểm sáng đáng ghi nhận, đồng thời sẽ giúp quá trình giải ngân vốn được thuận lợi hơn.
Bên cạnh các tuyến cao tốc, Chính phủ cũng dự kiến sẽ cải tạo, nâng cấp đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất hay khởi động sân bay quốc tế Long Thành. Như vậy, tổng cộng sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công dự kiến được triển khai trong năm nay - tức gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019.
Hiện vốn đầu tư công chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Các dự án này thường là các công trình hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh ngay từ cuối tháng 4 cũng cho phép Việt Nam bắt đầu triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế sớm hơn các quốc gia khác với nhiều điều kiện thuận lợi.
Vì vậy, đối với một số DN ngành xây dựng, đây là tin không thể tốt hơn. Đơn cử như nhận định của KB Securities, việc đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy tiêu thụ vật liệu xây dựng, trong đó Tập đoàn thép Hòa Phát nhiều khả năng sẽ là người hưởng lợi đáng kể.
Mới đây, Bộ Công thương cũng quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, kéo dài đến 2023. Việc áp thuế tự vệ giúp ngăn chặn sản phẩm nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Ngoài ra, giai đoạn 1 dự án Dung Quất Hòa Phát sẽ chính thức đi vào hoạt động, giúp nâng tổng công suất sản xuất thép xây dựng của Hòa Phát lên 4 triệu tấn/năm sẽ củng cố lợi thế cạnh tranh của DN.
Nhóm ngành xi măng cũng có thể hưởng lợi từ xu thế tăng tốc vốn đầu tư công. Các cổ phiếu xi măng nên được quan tâm là HT1 của xi măng Hà Tiên, BCC của xi măng Bỉm Sơn hay YBC của Công ty xi măng và khoáng sản Yên Bái. Trong khi đó, các công ty ngành nhựa như Bình Minh, Thiếu Niên Tiền Phong, dây cáp điện Cadivi, sản xuất đá Hóa An (DHA), Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) cũng có thể tận dụng được cơ hội từ vốn đầu tư công gia tăng.
Về phía các công ty xây dựng, các công ty lớn đầu ngành như Coteccons, Hòa Bình, CII, Licogi 16, Becamex, DIG hay các tổng công ty thuộc họ Cienco có thể được hưởng lợi nhờ sự lan tỏa từ chính sách thúc đẩy đầu tư công trong phần còn lại của năm.
Một điểm hấp dẫn khác là sau đợt bán tháo vừa qua, giá nhiều cổ phiếu họ xây dựng đang ở mức rất hấp dẫn nếu xét về trung và dài hạn. Đơn cử như chỉ số giá trên thu nhập cổ phần (PE) của HPG hiện chỉ là 7,6 lần, HT1 (6,9x), BMP (8,7x), trong khi mã CAV của dây cáp điện Cadivi đang có chỉ số PE chỉ là 7,3 lần.