Chất xúc tác nào cho giá cổ phiếu?

Theo Khánh Phương/doanhnhansaigon.vn

Bất chấp thị trường chung suy giảm, nhiều cổ phiếu lao dốc và chạm mức thấp nhất trong nhiều năm, vẫn có những doanh nghiệp “tỏa sáng” với lợi nhuận và giá cổ phiếu tăng cao trong quý I vừa qua.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Những ngôi sao sáng

Cổ phiếu Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa (HoSE: BTP) trong tháng 4 vừa qua có lúc tăng hơn 50%, còn tính từ đầu năm thì tăng trưởng gần 40%. Kết quả kinh doanh quý I vừa qua cho thấy lợi nhuận của BTP tăng đột biến, lên gấp hơn 206 lần so với cùng kỳ 2019, đạt gần 28,3 tỷ đồng. Với tỷ lệ cổ tức đều đặn ở mức 10% cộng thêm lợi nhuận tăng đột biến, việc các nhà đầu tư rót tiền mạnh vào cổ phiếu này trong thời gian qua là không có gì lạ.

Nhưng thu hút sự chú ý nhiều nhất trong thời gian gần đây là Công ty CP  Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC), khi giá cổ phiếu đã tăng gần 1,3 lần trong hơn một tháng và tăng đến 50% so với thời điểm đầu năm. Ngoài lợi nhuận tăng hơn 1,6 lần so với cùng kỳ 2019, lên đến gần 349 tỷ đồng chỉ riêng trong quý I, chất xúc tác đẩy giá cổ phiếu DBC tăng vọt còn là kỳ vọng những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm như DBC đang hưởng lợi lớn trong đại dịch, đẩy nhu cầu thực phẩm thiết yếu tăng mạnh và giá cả leo thang.

Có cùng mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 1,6 lần, dù chỉ đạt con số tuyệt đối khiêm tốn gần 25 tỷ đồng, nhưng Công ty CP Cao su Thống Nhất (HoSE: TNC) cũng đang chứng kiến giá cổ phiếu có dấu hiệu bật lại trong những ngày gần đây, giúp mức tăng trưởng trong hơn một tháng qua đạt 40%. Dù giá cao su thế giới vẫn ở mức thấp khiến doanh thu chỉ đạt hơn 12 tỷ đồng, nhưng trong quý I vừa qua, nhờ thu về 22 tỷ đồng tiền cổ tức và lợi nhuận được chia, trong khi quý I/2019 không có, và hơn 3 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.

Tổng công ty CP Y tế Danameco (HNX: DNM) đạt lợi nhuận quý I 8,2 tỷ đồng, tăng hơn 6,5 lần so với cùng kỳ 2019. Giá cổ phiếu của doanh nghiệp này đã tăng đến 50% chỉ riêng trong tháng 4, còn nếu tính từ đầu tháng 2 đã tăng gấp 4,5 lần. Dịch bệnh Covid-19 gây thiệt hại lên nhiều ngành kinh tế, thì nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực y tế lại được lợi, theo đó giúp giá cổ phiếu leo cao.

Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) cũng có giá cổ phiếu phục hồi mạnh mẽ trong thời gian qua, khi tăng hơn 90% chỉ trong vòng hơn một tháng, tăng 7% so với đầu năm, xem như đã phần nào lấy lại được giá trị bị “bốc hơi” trong đợt “sập hầm” của thị trường vào tháng 2 và tháng 3. Với lợi nhuận quý vừa qua tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2019, đạt mức 181 tỷ đồng, cho thấy chiến lược tái cấu trúc của doanh nghiệp này trong những năm qua đã có kết quả.

Chất xúc tác

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 700 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I, thống kê cho thấy vẫn có hơn 320 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có hơn 100 doanh nghiệp tăng từ 100% trở lên. Tuy nhiên, số doanh nghiệp lỗ cũng lên đến gần 140 trong khi số doanh nghiệp giảm mạnh lợi nhuận cũng không phải ít.

Thực tế cho thấy những doanh nghiệp có kinh doanh cốt lõi được hưởng lợi từ đại dịch thì cổ phiếu may ra có thể tăng ổn định, còn lợi nhuận tăng vì có thu nhập bất thường thì e rằng đà tăng khó bền vững.

Kết quả kinh doanh quý đầu tiên có thể chưa phản ánh được nhiều, do những ảnh hưởng từ giãn cách xã hội trên diện rộng, vốn buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, những thông tin khởi sắc hiếm hoi trong thời điểm nền kinh tế suy yếu do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch cũng đủ khiến nhiều nhà đầu tư lạc quan và có lý do để kéo giá cổ phiếu phục hồi, sau đợt giảm mạnh trong tháng 3.

Kết quả kinh doanh quý II cũng như báo cáo bán niên được kiểm toán chính thức sẽ phản ánh rõ hơn những ảnh hưởng từ dịch bệnh lên hoạt động của các doanh nghiệp. Với chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 4 giảm sâu, xuống 32,7 điểm, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 4 giảm mạnh, đến 10,5% và tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm đến 26% so với cùng kỳ năm 2019, rõ ràng khó có thể kỳ vọng vào lợi nhuận quý II của hầu hết các doanh nghiệp.

Đáng chú ý là không phải doanh nghiệp nào có kết quả kinh doanh tăng trưởng cũng đều có cổ phiếu tăng giá, và ngược lại. Thực tế cho thấy những doanh nghiệp có kinh doanh cốt lõi được hưởng lợi từ đại dịch thì cổ phiếu may ra có thể tăng ổn định, còn lợi nhuận tăng vì có thu nhập bất thường thì e rằng đà tăng khó bền vững.

Ngược lại, không ít doanh nghiệp tuy kết quả kinh doanh quý I bết bát, nhưng giá cổ phiếu vẫn tiếp tục “chạy” vì được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phục hồi trong các quý tới, nhất là khi được hưởng lợi từ các chính sách, giải pháp tài khóa và tiền tệ mở rộng. Trong nhóm này có thể kể đến lĩnh vực xây dựng, cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, sản xuất thực phẩm, nông nghiệp. Những doanh nghiệp tiếp tục duy trì chính sách chia cổ tức tiền mặt cao trong thời buổi khó khăn hiện nay cũng có thể thu hút dòng tiền.