Đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài: Nên hay không?
(Tài chính) Đầu tư ra nước ngoài đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công nêu trên, hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định dẫn đến câu hỏi đặt ra là có nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài hay không?
Vươn ra thế giới
Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu trong thời kỳ toàn cầu hóa hội nhập kinh tế quốc tế. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), giai đoạn 1989 - 2013, Việt Nam có 712 dự án đầu tư còn hiệu lực của các doanh nghiệp Việt Nam tại 56 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký 17,7 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư thực hiện đạt trên 4,97 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng vốn Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Tính theo lĩnh vực, các nhà đầu tư Việt Nam đăng ký mạnh ở ngành khai khoáng, lâm nông nghiệp và điện. Tuy nhiên, nếu tính theo số lượng dự án thì các nhà đầu tư Việt Nam đang hiện diện lớn ở lĩnh vực khai khoáng và bán buôn, bán lẻ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, do phần lớn dự án được đầu tư trong giai đoạn 2006 - 2013 (572 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký 16,9 tỷ USD), và đang trong quá trình triển khai nên chưa thấy rõ ngay hiệu quả. Lợi nhuận của các dự án đạt khoảng 675 triệu USD (bằng 13,8% tống vốn đầu tư đã thực hiện). Tuy nhiên, một số dự án đã đi vào hoạt động, bắt đầu đem lại hiệu quả, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực viễn thông, hàng không, ngân hàng, nông lâm nghiệp, trồng cây cao su, thủy điện, khoáng sản…
Một trong những lý do khiến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài được đẩy mạnh trong thời gian qua là nhờ những tháo gỡ về mặt chính sách của Nhà nước, với việc Chính phủ ban hành Nghị định 78/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Nghị định số 121/2007/NĐ-CP ngày 25/7/2007 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí và Nghị định số 17/2009/NĐ-CP ngày 16/02/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 121/2007/NĐ-CP…
Còn nhiều tồn tại
Đầu tư ra nước ngoài đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ giúp họ mở rộng thị trường và tăng doanh thu, lợi nhuận, mà còn là tăng thêm kinh nghiệm tiếp cận khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận khai thác tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác tại nước ngoài trong khi các điều kiện trong nước ngày càng trở nên hạn chế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công nêu trên, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định.
Về hành lang pháp lý và công tác quản lý, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, hệ thống văn bản hiện tại về đầu tư ra nước ngoài bao gồm các quy định về cấp phép, quản lý hoạt động, chuyển vốn đầu tư, vấn đề tài chính đã được các bộ, ngành liên quan xây dựng một cách tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, cũng thừa nhận rằng các quy định về quản lý đầu tư ra nước ngoài cũng còn nhiều bất cập, chồng chéo gây khó khăn cho công tác quản lý.
Ngoài ra, do hoạt động đầu tư xảy ra ở ngoài biên giới Việt Nam, còn chịu sự tác động của các quốc gia khác, do đó việc quản lý chặt chẽ các dự án này, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn Nhà nước vẫn cần có thêm các quy định cụ thể phù hợp với thực tế, bảo đảm cho việc quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả dòng vốn đầu tư này.
Bên cạnh đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì các số liệu nêu trên dựa theo báo cáo của các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tới bộ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác đang làm ăn, đầu tư kinh doanh ở nước ngoài không báo cáo đầy đủ hoặc thậm chí, không đăng ký giấy chứng nhận với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc thực hiện chế độ báo cáo của các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chưa đầy đủ, trong khi lại chưa có các chế tài xử lý việc nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo. Do đó, công tác quản lý các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng chưa thực hiện có hiệu quả do thiếu thông tin về chính sách đầu tư của các thị trường tiềm năng. Chiến lược tổng thể về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam vẫn chưa được xây dựng. Chính vì vậy, hiện vẫn chưa có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho sự phát triển của hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Quản lý vốn và nguồn lực ra nước ngoài của các công ty trong khối nhà nước cũng là một vấn đề quan trọng cần đặt ra…
Nên hay không đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài?
Hiện có hai luồng ý kiến đối với việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng trong lúc tổng cầu ở trong nước “co lại” và còn yếu thì nên gia tăng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng trong khi Việt Nam đang rất cần vốn để phát triển kinh tế, thì việc khuyến khích đầu tư ra nước ngoài cần phải xem xét; cần tăng cường quản lý, kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài…
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) mới đây đã có những quy định mới theo hướng thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam và siết chặt với các doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư ra nước ngoài.
Trong báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong khi Việt Nam đang rất cần vốn để phát triển kinh tế, thì việc khuyến khích đầu tư ra nước ngoài cần phải xem xét; cần tăng cường quản lý, kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài…
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu vấn đề: “Cứ nói là các nước phát triển đầu tư vào nước ta có hoạt động chuyển giá, rửa tiền… Vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại các nước kém phát triển hơn, có đặt ra chuyện chuyển giá hay rửa tiền không…”.
Từ thực tế việc doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, không nên cấm đầu tư ra nước ngoài nhưng có thể xem xét đặt vào một bộ luật khác để quản lý, do đồng tiền của Việt Nam không phải là tiền chuyển đổi nên việc chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài dễ làm thay đổi tỷ giá, ảnh hưởng đến nền kinh tế…