Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả vốn đầu tư công

Huy An

Trong giai đoạn 2021-2025, sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công... Đây là một trong các giải pháp để thúc đẩy quản lý vốn đầu tư công trong giai đoạn mới theo Quyết định số 1845/QĐ-TTg ngày 2/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giai đoạn 2016-2020, giải ngân vốn đầu tư công vượt 4/6 mục tiêu Quốc hội thông qua

Theo Báo cáo số 243/BC-CP của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt 1.815.556 tỷ đồng, bằng 90,8% tổng mức vốn được Quốc hội thông qua, trong đó 11.100 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, giảm gần một nửa so với giai đoạn 2011-2015.

Tổng mức vốn đầu tư công hằng năm thuộc dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết nghị đạt 1.926.063 tỷ đồng, bằng 96,3% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn Quốc hội quyết định, vượt 110.507 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn được giao chủ yếu do Quốc hội cho phép các địa phương có nguồn thu lớn, vượt thu được giao kế hoạch đầu tư công hằng.

Tuy nhiên, phần vốn ngân sách trung ương trong nước chỉ đạt 637.089 tỷ đồng, thấp hơn 130.755 tỷ đồng so với tổng mức kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương được giao. Tỷ lệ giải ngân bình quân hằng năm đạt khoảng 83,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó riêng năm 2020, tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất trên 97,46%.

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho thấy đạt và vượt 4/6 mục tiêu được Quốc hội thông qua, trong đó, mục tiêu bảo đảm cân đối ngân sách trung ương cho đầu tư là không đạt.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật là 28.717,595 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đã có chuyển biến tích cực thể hiện ở các nội dung: Thể chế, chính sách pháp luật về đầu tư công được hình thành và ngày càng hoàn thiện; Từng bước bản khắc phục được hệ quả của giai đoạn trước còn tồn đọng là nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả và kiểm soát chặt chẽ vốn ứng trước kế hoạch; hiệu quả đầu tư công từng bước được cải thiện, dần khắc phục đầu tư công phân tán, dàn trải; hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được cải thiện, nhiều công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, y tế, giáo dục… được hoàn thành.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tác động của đại dịch COVID-19 còn kéo dài. Trong bối cảnh đó, đầu tư công ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn.

Chính phủ đã đề ra mục tiêu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cụ thể: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 32-34% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội...

Tỷ trọng chi đầu tư ngân sách nhà nước chiếm khoảng 28% tổng chi ngân sách nhà nước; phấn đấu chi đầu tư ngân sách nhà nước chiếm 29% tổng chi ngân sách nhà nước, chi đầu tư ngân sách trung ương đảm bảo vai trò chủ đạo trong đầu tư công.

Bên cạnh triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, ngày 2/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1845/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025. Quyết định này nêu rõ chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công cần thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các văn bản hưóng dẫn Luật đề vốn đầu tư công thực sự đóng vai trò dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư.

Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công.

Việc bố trí vốn đầu tư công phải phù hợp với định hướng mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các nguồn vốn vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phải được kiểm soát một cách chặt chẽ về mục tiêu, hiệu quả đầu tư, kế hoạch trả nợ và những tác động của vay vốn đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh các chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trên, trong 5 năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; thực hiện cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, cấp bách; kiểm soát số lượng các dự án khởi công mới, bảo đảm từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định pháp luật.

Không bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới nhóm C của địa phương, trừ trường hợp đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Đưa tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 xuống dưới 5.000 dự án để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Đồng thời, tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành…

Để quản lý vốn đầu tư công tiết kiệm, an toàn, hiệu quả trong giai đoạn 2021-2025

Trên cơ sở các chỉ tiêu trên, thời gian tới, Chính phủ đã đề ra các giải pháp về quản lý vốn đầu tư công tiết kiệm, an toàn, hiệu quả theo các nội dung sau:

Một là, tiếp tục rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí, nguyên tắc, định mức hỗ trợ vốn, đối tượng và loại hình các chương trình, dự án do địa phương quản lý được hỗ trợ vốn ngân sách trung ương làm căn cứ triển khai, thực hiện.

Hai là, hoàn thiện quy định về quản lý thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công để thống nhất trong quản lý về thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công, minh bạch hóa quá trình kiểm soát thanh toán vốn, quản lý chặt chẽ quy trình tạm ứng vốn đầu tư nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án đầu tư công, bảo đảm phù hợp với thực tế, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án.

Bốn là, rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư xây dựng công trình phục vụ các ngành kinh tế. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu, đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng để giảm bớt chi phí hành chính.

Năm là, hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch các cấp theo quy định của Luật Quy hoạch để làm cơ sở triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của các dự án.

Sáu là, xây dựng phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công; tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng phải đảm bảo tính tự chịu trách nhiệm “cá thể hóa” vai trò cá nhân của người đứng đầu trong quản lý, điều hành; có chế tài xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong việc để kéo dài, chậm tiến độ đưa vào sử dụng các dự án đầu tư công gây thất thoát, lãng phí.

Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hoá trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Hệ thông thông tin về đầu tư công để cập nhật, lưu trữ các thông tin, dữ liệu liên quan đến việc lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm (trong đó có nội dung giải ngân vốn đầu tư công); lập, thẩm định, phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Tám là, thực hiện kết nối, đồng bộ hóa dữ liệu trên Hệ thống thông tin về đầu tư công với Hệ thống TABMIS để toàn bộ quá trình lập, giao, điều chỉnh kế hoạch, theo dõi, báo cáo kế hoạch đầu tư công đều được thực hiện trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư, phù hợp với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số.