Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm bảo hiểm
Trong năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước triển khai các sản phẩm bảo hiểm mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, Bộ Tài chính đã phê chuẩn 16 sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 46 sản phẩm mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; Sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản của 18 sản phẩm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tiếp tục hoàn thiện chế độ chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Cụ thể, ngày 25/8/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 130/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 115/2013/TT-BTC ngày 20/8/2013 hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách phát triển sản phẩm bảo hiểm như: Bảo hiểm thiên tai (đang nghiên cứu thí điểm mô hình bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với công trình thủy lợi); Bảo hiểm tài sản công (đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật Tài sản công); Bảo hiểm năng lượng nguyên tử (đang nghiên cứu xây dựng mô hình triển khai bảo hiểm năng lượng nguyên tử tại Việt Nam); Bảo hiểm vi mô (xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai bảo hiểm vi mô); Bảo hiểm liên kết chung (xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 96/2007/QĐ-BTC về việc ban hành quy chế triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung)...
Với những nỗ lực của Bộ Tài chính, trong năm 2015, thị trường bảo hiểm đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sản phẩm bảo hiểm mới. Cụ thể, căn cứ vào báo cáo kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, tính đến hết năm 2015, doanh thu phí của bảo hiểm hưu trí ước đạt 278,85 tỷ đồng, chiếm 0,76% tổng doanh thu phí, trong đó doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới năm 2015 ước đạt 199,76 tỷ đồng chiếm 1,6% doanh thu phí khai thác mới.
Đối với bảo hiểm liên kết chung, trong năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm mới ước đạt 5.503 tỷ đồng (tăng 44,37% so với cùng kỳ năm 2014), số hợp đồng khai thác mới ước đạt 442.910 hợp đồng. Như vậy, bắt đầu được triển khai năm 2007, đến nay đã có 13/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai sản phẩm bảo hiểm này với doanh thu phí ước đạt 13.021 tỷ đồng và số lượng hợp đồng có hiệu lực ước đạt 1,65 triệu hợp đồng.
Trong khi đó, bảo hiểm liên kết đơn vị - sản phẩm mang tính chất đầu tư, gắn với rủi ro cao, nhưng đến nay cũng đã thu hút được sự tham gia của một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ như Manulife, Prudential... Tính đến hết năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 230,59 tỷ đồng, số hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực là 12.201 hợp đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 100,86 tỷ đồng, tổng số hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực là 1.901 hợp đồng.
Đối với bảo hiểm vi mô, tính đến cuối năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 34 tỷ đồng, số hợp đồng có hiệu lực ước đạt hơn 86.382 hợp đồng. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã ký công văn hướng dẫn triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô đối với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tài chính cộng đồng thuộc hội Khuyến học Việt Nam...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các tổ chức triển khai bảo hiểm vi mô làm việc với bên mua bảo hiểm và các tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô tại các địa phương nhằm cung cấp bảo hiểm vi mô tốt nhất cho người nghèo, người có thu nhập thấp tại mọi địa bàn...
Đối với bảo hiểm thủy sản, đến tháng 10/2015, có 26/28 tỉnh, thành phố phát sinh doanh thu phí bảo hiểm (02 địa phương chưa phát sinh doanh thu phí là do số lượng tàu cá không nhiều là Ninh Bình và TP. Hồ Chí Minh) với tổng số tiền bảo hiểm là 20.319 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm là 194,7 tỷ đồng; tổng số tàu tham gia bảo hiểm là 9.378 tàu; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm là 83.614 thuyền viên; đã phát sinh một số vụ bồi thường với số tiền là 12,7 tỷ đồng.
Có thể nói, việc triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã góp phần khuyến khích khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo...
Ngày 13/8/2015, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 121/TTr-BTC trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định tiếp tục thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, theo đó: Tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa, vật nuôi tại các tỉnh, thành phố theo Quyết định số 315/QĐ-TTg; Mở rộng bảo hiểm trâu, bò cho các huyện tại tỉnh Hà Giang...
Trong năm 2016, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm bảo hiểm, trong đó tập trung triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản...