Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Xóa bỏ sự đặc lợi, độc quyền
(Tài chính) Phát biểu tại Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khối DN Trung ương đến năm 2015 được tổ chức ngày 2/4 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng: Phải đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN để những DN này tuân theo quy luật khách quan của thị trường. Theo đó, DNNN chỉ giữ những khâu, lĩnh vực, địa bàn quan trọng và then chốt, những lĩnh vực tư nhân làm được phải chuyển cho khối này làm mới tránh được đặc lợi, độc quyền trong quản lý kinh tế.
Cổ phần vừa chậm vừa không hiệu quả
Theo Đảng ủy khối DN trung ương tình hình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc khối DN Trung ương từ năm 2011 đến nay khá chậm chạp, kết quả rất hạn chế. Cho đến thời điểm này mới có 10 trong tổng số 80 DN thực hiện xong cổ phần hóa. Mới có 167/642 DN thoái vốn Nhà nước với tổng số tiền thoái thu trên 7,8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa (đến năm 2015) nhưng vẫn còn 472 DN cần thoái vốn.
Việc sắp xếp lại DN sau cổ phần hóa cũng rất chậm chạp. Tại một số tập đoàn, tổng công ty do năng lực quản trị chưa tương xứng với quy mô, vị trí của đơn vị cũng như quản trị tài chính còn lỏng lẻo đã dẫn đến những sai phạm không đáng có. Để nâng cao hiệu quả của DN tại Khối, nhiều DN đã cố gắng sắp xếp lại lao động trong đơn vị, tuy nhiên việc sắp xếp này còn nhiều vướng mắc.
Chẳng hạn, tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu Thủy, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam... còn một số lượng lao động dôi dư (hàng nghìn người) đang chờ việc nhưng chưa giải quyết được làm ảnh hưởng đến tâm tư, cuộc sống của người lao động và hiệu quả của DN.
Chẳng hạn, tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu Thủy, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam... còn một số lượng lao động dôi dư (hàng nghìn người) đang chờ việc nhưng chưa giải quyết được làm ảnh hưởng đến tâm tư, cuộc sống của người lao động và hiệu quả của DN.
Nói về lý do khiến tốc độ cổ phần hóa chậm chạp ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy khối DN Trung ương có lý giải rằng, hầu hết các đề án tái cơ cấu mới được phê duyệt, do thị trường chứng khoán suy giảm sâu, tình hình kinh tế, tài chính khó khăn, không thuận lợi cho cổ phần hóa và thoái vốn... Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân chủ quan là do các đơn vị chưa quyết liệt cổ phần hóa DN.
Thêm cơ quan ngang bộ quản lý vốn đầu tư Nhà nước vào DN?
Từ kết quả tái cơ cấu DNNN thời gian qua, Đảng ủy Khối DN Trung ương đề nghị các đảng ủy trực thuộc phải quyết liệt chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu, trong đó bảo đảm cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước theo đúng tiến độ là trọng tâm hàng đầu; công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN cũng như kế hoạch tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn…
Để đẩy nhanh cổ phần hóa ông Nguyễn Văn Ngọc đề xuất nghiên cứu thành lập một cơ quan ngang bộ để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, là đầu mối thống nhất quản lý các DNNN và vốn đầu tư Nhà nước vào DN. Đảng ủy khối DN Trung ương cũng đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành cho phép các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng mua lại, chuyển nhượng số vốn đầu tư chéo giữa các đơn vị này theo giá trị sổ sách hoặc tự thoả thuận, chứ không phải đấu giá qua sàn giao dịch chứng khoán, nhằm rút ngắn thời gian thoái vốn. Đối với một số khoản đầu tư ở nước ngoài, đề nghị được thoái vốn cho đơn vị chịu trách nhiệm chính của các dự án này hoặc đơn vị do Chính phủ chỉ định.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, DNNN giữ vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp vào thành tựu quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: DNNN tuy nắm giữ lượng vốn rất lớn, có rất nhiều lợi thế nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đã có. Vì vậy, cần đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa sắp xếp lại những DN này.
Phó Thủ tướng lưu ý, DNNN cần tiếp tục khẳng định vai trò và phải được đổi mới quản trị; đi đầu trong đổi mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật, dẫn dắt nền kinh tế phát triển để làm tốt chức năng của mình bởi "làm không tốt thì nói ai nghe, dẫn dắt nền kinh tế sao được”!