Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học
Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường lao động. Trong bối cảnh đó, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng này, Việt Nam sẽ phải thay đổi phương pháp đào tạo theo hướng đưa công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy kỹ năng nghề nghiệp.
Khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Nhằm hỗ trợ đổi mới căn bản hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật GDNN, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Việc làm năm 2013; ban hành chiến lược phát triển giáo dục, chiến lược phát triển dạy nghề, quy hoạch phát triển doanh nghiệp, quy hoạch phát triển giáo dục và nhiều chương trình đề án… Các văn bản chính sách cho các nhóm đối tượng người học, người dạy, cơ sở dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, đơn vị sử dụng lao động được ban hành phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Hình: Giáo dục thời 4.0 thay đổi như thế nào?
Cụ thể, ngày 20/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu GDNN - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020, trong đó Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn 2016 - 2020” góp phần thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 1,35 triệu người, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 và khoảng 30 trường chuyên biệt đủ điều kiện để đào tạo cho một số nghề trọng điểm phục vụ cho phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú, người khuyết tật.
Ứng dụng công nghệ mới vào đào tạo nghề
Những năm qua, hệ thống các cơ sở dạy nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng đã thực hiện đào tạo nguồn nhân lực từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN đã có những chuyển biến tích cực, từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến…
Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường lao động luôn biến động và thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong khi hệ thống các cơ sở GDNN vẫn chưa thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động.
Trong bối cảnh đó, Tổng cục GDNN (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã triển khai đưa vào sử dụng Dự án “Xây dựng Trung tâm dữ liệu GDNN” đạt tiêu chuẩn quốc tế cấp Tier 2+ gồm các hạng mục (hạ tầng kỹ thuật, hệ thống mạng và bảo mật, hệ thống máy chủ, lưu trữ và các phần mềm hệ thống). Hiện nay, Dự án này đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành của Tổng cục GDNN; qua đó, làm cơ sở để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động GDNN.
Cùng với đó, Tổng cục GDNN chỉ đạo xây dựng ứng dụng chọn nghề - Chọn trường trên thiết bị di động cung cấp các thông tin liên quan đến ngành nghề đào tạo, xu hướng phát triển của nghề...; đồng thời, cho phép người học có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến vào cơ sở GDNN lựa chọn. Đến nay, ứng dụng này đã cập nhật thông tin của 1.000 cơ sở GDNN, với hơn 800 nghề đào tạo và có khoảng 10 nghìn người truy cập thường xuyên.
Đặc biệt, tại một số trường nghề đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học; thực hiện số hóa, mô phỏng hóa các chương trình đào tạo theo các phần mềm tiên tiến trên thế giới (như Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang…). Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học đã giúp bài giảng sinh động, thực tế hơn, từ đó tạo hứng thú cho người học tiếp thu kiến thức nhanh hơn vì khai thác được hình ảnh trực quan, thông tin mới cập nhật qua công nghệ thông tin…
Đồng bộ giải pháp ứng dụng công nghệ trong quản lý giáo dục nghề nghiệp
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Tổng cục GDNN tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý GDNN, đến năm 2020, 100% cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý GDNN.
Thứ hai, tiếp tục triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý GDNN”, trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu GDNN thông suốt từ Tổng cục GDNN đến các cơ sở GDNN.
Thứ ba, tăng cường đào tạo, tập huấn cho các cán bộ cấp Trung ương, cấp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cấp cơ sở GDNN vận hành, khai thác, cập nhật hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu GDNN.
Thứ tư, triển khai 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, trong đó có 4 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Thực hiện nâng cấp trang thông tin tuyển sinh GDNN và xây dựng Cổng thông tin điện tử định hướng nghề nghiệp; Hoàn thiện và duy trì Cổng thông tin điện tử của Tổng cục GDNN, tích hợp các ứng dụng quản lý GDNN.
Thứ năm, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến tập trung tại Tổng cục GDNN và triển khai đến các cơ sở GDNN ứng dụng đào tạo trực tuyến vào việc hỗ trợ giảng dạy nâng cao chất lượng GDNN.
Thứ sáu, đầu tư số hóa các chương trình, giáo trình, học liệu, bài giảng điện tử, bài giảng mô phỏng cho các nghề chuyển giao từ nước ngoài; các nghề trọng điểm quốc tế, khu vực và trọng điểm quốc gia có nhiều cơ sở GDNN đào tạo.
Thứ bảy, xây dựng thư viện điện tử dùng chung và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu học liệu số (tài liệu, giáo trình, giáo án điện tử, số hóa, bài giảng điện tử, mô phỏng...) dùng chung trong toàn Ngành.
Tổng cục GDNN chỉ đạo xây dựng ứng dụng chọn nghề - Chọn trường trên thiết bị di động cung cấp các thông tin liên quan đến ngành nghề đào tạo, xu hướng phát triển của nghề...; đồng thời, cho phép người học có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến vào cơ sở GDNN lựa chọn. Đến nay, ứng dụng này đã cập nhật thông tin của 1.000 cơ sở GDNN, với hơn 800 nghề đào tạo và có khoảng 10 nghìn người truy cập thường xuyên.