Đẩy mạnh xuất khẩu lương thực là cam kết có trách nhiệm với thế giới về an ninh lương thực

Bảo Thương

Vấn đề xuất khẩu gạo và an ninh lương thực luôn là mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân, do đó, tại Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn chiều 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như là một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đăng đàn trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đăng đàn trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên Chất vấn, đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Bộ Công Thương trong thời gian tới để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt.

Có cùng nội dung chất vấn, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu giải pháp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong tình hình giá lúa gạo tăng cao; làm rõ giải pháp vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao giá trị xuất khẩu.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 "biến" lớn là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục. Trong bối cảnh như vậy, những dự báo tầm dài cần nỗ lực đảm bảo tính chính xác cao hơn, tuy nhiên, những dự báo ngắn hạn có sự thay đổi liên tục.

Đối với giải pháp đảm bảo an ninh lương thực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông đã sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ tin tưởng nếu không có biến động thì Việt Nam sẽ không gặp vấn đề gì trong việc xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, khoảng 20% diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong liên kết và còn tới 80% diện tích ngoài liên kết. Ngoài ra, giá lúa chịu quy luật cung cầu. Tại Việt Nam, giá lúa gạo còn chịu nhiều vấn đề khác như: đặt cọc, thỏa thuận mua bán, mùa vụ…

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) tham gia chất vấn.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) tham gia chất vấn.

Bộ trưởng nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ số một là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thứ hai mới là đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như là một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực.

Cũng chất vấn tại Phiên họp về vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá) cho biết, đất đai, đặc biệt là đất trồng lúa có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực. Do vậy, đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm không cho phép chuyển đổi sang mục đích khác để người dân, doanh nghiệp yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, cách đây 10 năm, quy mô đất lúa nước ta khoảng trên 4 triệu ha và hiện tại theo số liệu thống kê đất lúa còn 3,93 triệu ha. Theo Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ là sử dụng linh hoạt 5 triệu ha đất lúa. Bộ trưởng làm rõ, linh hoạt ở đây có nghĩa là để đảm bảo an ninh lương thực và để sự phát triển kinh tế - xã hội thì cũng phải dành một quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa. Quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai do vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Tại các các địa phương cũng đã đều ổn định những diện tích đất lúa và đã có trong quy hoạch của tỉnh, xác định rõ phân khu vực dành cho đất nông nghiệp.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, người nông dân sống dựa trên đất lúa, chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến…  Đặc biệt, Bộ cũng sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.