Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:
Đề án 100 đã đạt được nhiều kết quả tích cực
Kể từ năm 2019 đến nay, việc triển khai Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” (Đề án 100) đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), sau gần 4 năm triển khai Đề án 100 – Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” (theo Quyết định số 100/QĐ- TTg ngày 19/1/2019), trong đó Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (NBC) đóng vai trò là đầu mối thực hiện, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trước tiên về xây dựng tiêu chuẩn, từ khi Đề án 100 ra đời đến tháng 11/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ trì và phối hợp với các Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông) xây dựng và công bố thêm 10 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc (TXNG), nâng tổng số TCVN về TXNG các loại sản phẩm, hàng hóa và về yêu cầu đối với hệ thống TXNG lên 23 TCVN.
Dự kiến, đến hết năm 2022, tổng số TCVN về TXNG được công bố lên hơn 30 TCVN. Thêm nữa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tiếp tục xây dựng 07 TCVN liên quan đến xác thực nguồn gốc và TXNG các loại sản phẩm nông sản, 04 TCVN về xác thực nguồn gốc và TXNG các sản phẩm khác; Bộ Y tế sẽ xây dựng 02 TCVN liên quan đến truy xuất trang thiết bị y tế theo Kế hoạch xây dựng TCVN năm 2022 đã được Bộ KH&CN phê duyệt.
Về việc hỗ trợ, góp ý, đồng hành cùng 63 tỉnh/thành phố triển khai Đề án, trung bình mỗi năm, Trung tâm đã tổ chức được 20 khóa đào tạo, tập huấn về TXNG cho các địa phương và nhiều hoạt động liên quan khác.
Nhờ đó, đến nay, đã có 62/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án (địa phương chưa ban hành Kế hoạch là tỉnh Lạng Sơn); 47/63 địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tập huấn, đào tạo các nội dung trong Đề án.
40/63 địa phương đã xác định sản phẩm đặc trưng/sản phẩm ưu tiên được thực hiện TXNG; 32/63 địa phương đã có các hoạt động chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh/thành phố; 30/63 địa phương đã triển khai TXNG hoặc đã áp dụng tem TXNG cho một số sản phẩm cụ thể.
Ngoài ra, trong năm 2022, Trung tâm cũng đồng hành cùng một số địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu KH&CN như: Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn... Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm thảo dược của tỉnh Ninh Bình; Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cơm cháy của tỉnh Ninh Bình.
Nghiên cứu thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương; Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống TXNG cho chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm nông sản “Chôm chôm Ia Grai”…