Hoàn thiện tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc tiệm cận thông lệ quốc tế
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất khẩu, việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc (TXNG) hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế là rất quan trọng.
Tiêu chuẩn quốc gia về TXNG giúp minh bạch hóa nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại xuyên biên giới và giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu.
Theo thống kê, đến tháng 12/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ trì và phối hợp với các bộ xây dựng và công bố thêm 10 TCVN về TXNG, nâng tổng số TCVN về TXNG các loại sản phẩm, hàng hóa và về yêu cầu đối với hệ thống TXNG lên tới 23 TCVN. Dự kiến đến cuối năm 2022, tổng số TCVN về TXNG được công bố lên tới hơn 30 TCVN
Được biết, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tiếp tục xây dựng 7 TCVN liên quan đến xác thực nguồn gốc và TXNG các loại sản phẩm nông sản, 4 TCVN về xác thực nguồn gốc và TXNG các sản phẩm khác; Bộ Y tế sẽ xây dựng 2 TCVN liên quan đến truy xuất trang thiết bị y tế theo kế hoạch xây dựng TCVN năm 2022 đã được Bộ KH&CN phê duyệt.
Được biết, hiện tại, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG của Việt Nam chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức.
Hệ thống này mang tính khép kín, không có khả năng tương tác, liên kết, chia sẻ và trao đổi dữ liệu... Vì vậy, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh TXNG cần được thúc đẩy, hướng tới thừa nhận kết quả TXNG lẫn nhau.
Đối với các doanh nghiệp, xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả là biện pháp hữu hiệu giúp tổ chức đạt được các mục đích như: Quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, quản lý mối quan hệ tương tác trong nội bộ và giữ uy tín, vị thế với các đối tác, người tiêu dùng.
Đầu năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2022/NÐ-CP ngày 21/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường.
Các quy định về TXNG tại Nghị định số 13/2022/NÐ-CP đã khẳng định vai trò quản lý nhà nước nhằm thống nhất hoạt động TXNG sản phẩm, hàng hóa. Ðây là căn cứ để các nhà quản lý hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, đưa TXNG trở thành một trong những hàng rào kỹ thuật để quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu, và là công cụ tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu dễ dàng hơn.
Ðối với doanh nghiệp, Nghị định số 13/2022/NÐ-CP cũng là căn cứ để các doanh nghiệp đưa ra được kế hoạch triển khai các hoạt động nâng cao năng lực kỹ thuật cho hoạt động TXNG, hỗ trợ phát triển sản phẩm đạt yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của Bộ KH&CN, việc quản lý về TXNG là nhiệm vụ hoàn toàn mới của địa phương, nên tiến độ triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG tại nhiều địa phương còn chậm.
Việc triển khai áp dụng mới tập trung áp dụng ở một số sản phẩm nông sản thực phẩm, với một số các sản phẩm quan trọng khác, như thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, lâm sản, thủy sản... TXNG chưa được quan tâm đúng mức.
Nhiều đơn vị cung cấp giải pháp TXNG chưa thật sự quan tâm đến các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về TXNG để bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống với nhau, cho nên việc TXNG sản phẩm của doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tham gia thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của TXNG và chưa hiểu đúng bản chất của TXNG; thói quen và ý thức làm việc chưa tuân thủ quy trình.
Bộ KH&CN cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về TXNG, tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về TXNG, xây dựng các tài liệu hướng dẫn về TXNG, hệ thống TXNC sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến TXNG.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ áp dụng thí điểm hệ thống TXNG theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và nhân rộng mô hình tới các doanh nghiệp trong các ngành, nghề; thực hiện các hoạt động quảng bá, nhân rộng các mô hình áp dụng TXNG phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông, phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia, các văn bản quy định liên quan đến mã số, mã vạch, TXNG để tăng số lượng doanh nghiệp quan tâm đến TXNG.