Để doanh nghiệp FDI không còn là “ốc đảo” của nền kinh tế
Sau hơn 30 năm Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành (tháng 12/1987), doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, thực tế cũng cho thấy FDI đang bộc lộ những mặt hạn chế. Đặc biệt, mối quan hệ liên kết cùng nhau phát triển giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước trong những năm qua chưa phát huy hiệu quả, mà nói như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thì “phần lớn doanh nghiệp FDI vẫn như những ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam”.
Và theo các chuyên gia, cần những định hướng và chính sách mới thiết thực hơn trong thu hút FDI để các doanh nghiệp đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam.
Tính lũy kế đến ngày 20/9/2017, trên phạm vi cả nước có 24.200 dự án FDI đang hoạt động và tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt trên 167 tỷ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký.
Theo thống kê, lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài “đội vốn” nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính lũy kế đến hết tháng 6/2017, lĩnh vực này thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất với 11.833 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 175 tỷ USD, chiếm 51,6% tổng số dự án và 58,9% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam.
Đánh giá về tình hình thu hút FDI trong 30 năm qua, tại Tọa đàm "Định hướng thu hút FDI trong thời gian tới" ngày 17/10 tại Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, từ năm 1991 đến nay, khu vực FDI trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội.
Trong giai đoạn 1991 - 2017, Việt Nam đã thu hút được 161,959 tỷ USD vốn FDI. Tính bình quân mỗi năm giai đoạn 1991 - 2000 đạt 1,95 tỷ USD, trong 10 năm tiếp theo đạt 5,85 tỷ USD, 7 năm gần đây là 12 tỷ USD, bằng 6,1 lần của giai đoạn 1991 - 2000 và 2,09 lần của giai đoạn 2001 - 2010.
Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2016, có nhiều dự án quy mô lớn với vốn đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên đã giúp Việt Nam trở thành "cứ điểm" sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao của thế giới như: Smartphone, máy tính bảng, công nghệ thông tin...
Cũng tại Tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Quang, Cục Phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trong những năm đầu thu hút FDI, mục tiêu của Việt Nam là thu hút bổ sung nguồn vốn và giải quyết công ăn việc làm. Tuy nhiên, đến năm 2016, khu vực FDI chiếm khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, trong đó dầu khí, điện tử, smartphone, linh kiện điện tử, thức ăn gia súc, đồ uống… có tỷ trọng cao hơn nhiều.
Đặc biệt, doanh nghiệp FDI chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước với mặt hàng chủ lực là sản phẩm chế tạo có giá trị gia tăng cao, bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước và tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD, đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.
Cũng đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp FDI vào sự phát triển của nền kinh tế, trao đổi với phóng viên tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững 2017 vừa qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, trong những năm qua, Việt Nam là một trong những ví dụ điển hình thành công của quá trình hội nhập, thu hút FDI, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút được các tập đoàn lớn vào Việt Nam.
“Đóng góp của doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế là không thể phủ nhận, về tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nguồn thu cho người lao động”, ông Lộc nhấn mạnh.
Cần điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, thực tế cũng cho thấy FDI đang bộc lộ những mặt hạn chế như gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá, sử dụng công nghệ lạc hậu của một số dự án… Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần coi trọng chính sách kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ; tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
“Một trong những điểm yếu nhất của FDI là không liên kết được với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, không liên kết được với doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ địa phương. Phần lớn FDI vẫn như những ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nhận định.
Cụ thể, theo GS., TSKH Nguyễn Mại, đối với các thành phố đã phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới để các địa phương này thực sự là đầu tàu kinh tế của cả nước.
“Kiên quyết không lựa chọn dự án FDI tuy sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính...”, ông Mại chỉ rõ.
Bên cạnh đó, Cục Phó Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Xuân Quang cũng nhấn mạnh đến 4 yếu tố cần định hình để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Đó là phát triển bền vững phải dựa trên cả 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường; khu vực kinh tế tư nhân cần phát triển vượt bậc; thu hút FDI chú trọng đến chất lượng, chọn lọc và cần tận dụng những cơ hội, lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghệ 4.0).
Cùng ý kiến với đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, thời gian tới, thu hút FDI cần phù hợp với xu hướng của CMCN 4.0, tăng cường thu hút những doanh nghiệp có khả năng đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam, không chỉ là công ăn việc làm, không chỉ là tăng trưởng GDP mà còn đóng góp về công nghệ, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và mang tính bền vững.
“Chúng ta đã bước sang giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế, giai đoạn mà chất lượng tăng trưởng được đề cao, nên chúng ta cũng cần nâng cao chất lượng của dòng vốn đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng ưu tiên của Đảng, Nhà nước, hướng vào những doanh nghiệp có thể đóng góp thực hiện chiến lược phát triển theo trào lưu Cách mạng công nghệ 4.0”, ông Lộc nhấn mạnh.