Để dòng chảy tín dụng đến với doanh nghiệp
Vấn đề tiếp cận các nguồn vốn đối với doanh nghiệp Việt đã và đang được nhắc đến như một bài toán hóc búa và cần nhiều các giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề. Sự nỗ lực của các bên liên quan là một trong những mấu chốt quan trọng cho lời giải của bài toán này.
Doanh nghiệp còn gặp khó
Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có tới 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa với hơn 400.000 doanh nghiệp. Khối doanh nghiệp này đóng góp hơn 40% GDP, 31% giá trị sản xuất công nghiệp, 78% mức bán lẻ của ngành thương nghiệp và chiếm 64% khối lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa, sử dụng 51% lao động toàn xã hội… Hầu hết các doanh nghiệp này đều có nhu cầu vay vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vay vốn ngân hàng là kênh chủ yếu của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, còn lại đều gặp khó trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay này. Tình trạng xảy ra chủ yếu do các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu các điều kiện đảm bảo tín dụng cho họ khiến ngân hàng thiếu niềm tin trong quan hệ tín dụng về tình hình tài chính và khả năng tạo dòng tiền của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh không có hiệu quả trong nhiều năm dẫn đến không còn tài sản đảm bảo nên khó có thể tiếp cận được ngân hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hầu hết còn hạn chế về kỹ năng quản trị, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nhân lực, nguồn vốn tự có thấp. Hơn nữa, việc lập dự án, phương án sản xuất kinh doanh còn hạn chế, hệ thống thông tin, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp chưa đồng bộ và thống nhất... cũng là nguyên nhân khiến khả năng vay vốn của doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đã hết hạn mức vốn có thể vay ngân hàng cho một dự án hoặc nhu cầu sản xuất kinh doanh mà đã có dư nợ vay các ngân hàng khác nhau lại không chứng minh được dòng tiền có thể phục vụ thanh khoản, nguồn tài chính để trả nợ trong tương lai. Trên thực tế đã có không ít các doanh nghiệp đã từng được vay vốn nhưng làm ăn không hiệu quả, rơi vào tình trạng không thể trả nợ. Bởi vậy, các ngân hàng cũng thận trọng hơn trong việc tiếp tục cho vay hay không.
Cần sự nỗ lực từ hai bên
Giải pháp tháo gỡ về tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa đã từng được đưa ra rất nhiều tại các cuộc hội thảo, tọa đàm... về vấn đề này. Giải pháp toàn diện nhất có lẽ là chính sự nỗ lực, cố gắng từ hai phía là doanh nghiệp và các ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng thương mại cần đề cao tính minh bạch, nâng cao và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, có hình thức tư vấn cho doanh nghiệp sử dụng các công cụ của thị trường tài chính phù hợp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tín chấp để giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng nghĩa với việc chấp nhận tài sản đảm bảo hình thành trên đất dự án như nhà xưởng… để cho vay. Như vậy, các ngân hàng cũng phải có đủ năng lực, có đội ngũ chuyên gia giỏi để thẩm định tính khả thi của một dự án, để đánh giá độ tin cậy, tín nhiệm của các doanh nghiệp để từ đó cho vay đúng người, đúng chỗ.
Về phía các doanh nghiệp, khi vay vốn ngân hàng, các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc khả năng trả nợ. Việc chứng minh, kiểm soát dòng tiền và khả năng trả nợ là vô cùng quan trọng nếu doanh nghiệp muốn vay vốn. Theo đó, các doanh nghiệp cần làm sáng tỏ hiệu quả sản xuất, mục tiêu sử dụng vốn vay và tập trung vào việc minh bạch hóa thông tin, định hướng kinh doanh, phương án vay và trả nợ. Trên cơ sở kế hoạch kinh doanh, doanh nghiệp phải cơ cấu lại vốn và dòng tiền để thích ứng với điều kiện mới, tập trung vào giảm hàng tồn kho, giảm công nợ để thu hồi vốn nhanh. Trong dài hạn, các doanh nghiệp cần phải có chiến lược kinh doanh bài bản, tầm nhìn dài hạn hơn và minh bạch hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có chuyên gia đủ năng lực để trình bày, chứng minh và thuyết phục ngân hàng cho vay.
TS. Alan Phan từng nhận định, khi cần vốn để khởi nghiệp hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không nhất thiết cứ phải trông chờ vào nguồn vay ngân hàng mà có thể tìm một quỹ đầu tư nào đó để bổ sung và huy động vốn hay huy động những nguồn vốn hiện hữu xung quanh doanh nghiệp như: một tài sản chưa cần dùng đến có thể là nhà, đất, xe cộ, hàng tồn kho; hoặc những gì chưa thật cần thiết trong thời điểm huy động vốn có thể bán để tạo vốn; hay nguồn vốn từ bạn bè, người thân, nhà cung cấp, đối tác chiến lược, hợp đồng nguyên liệu...