Để tránh mất tiền thời công nghệ số
Thanh toán không dùng tiền mặt càng phát triển thì những rủi ro đi kèm cũng ngày một cao. Vì thế, cảnh giác trong các giao dịch trực tuyến, chi tiêu bằng thẻ và bảo đảm an toàn cho hệ thống thanh toán là yêu cầu đối với cả khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ.
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), tính đến cuối quý II/2016, tổng số lượng thẻ đã phát hành lũy kế là 106,03 triệu thẻ với hơn 17.000 máy ATM và hơn 239.000 thiết bị chấp nhận thẻ (POS).
Thực tế cho thấy, tội phạm công nghệ cao tấn công ngân hàng chủ yếu qua hệ thống thanh toán, điển hình là thanh toán qua thẻ. Vì thế, việc thị trường thẻ và dịch vụ thanh toán qua internet phát triển nhanh cũng sẽ đi kèm nhiều rủi ro.
Sự việc của một khách hàng tại Hà Nội mới đây bị mất 500 triệu đồng trong tài khoản của Vietcombank đã dấy lên lo ngại cho các khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ thanh toán qua thẻ hoặc qua Internet banking. Nguyên nhân ban đầu được xác định là khách hàng đã truy cập vào một trang web giả mạo qua điện thoại cá nhân.
Từ việc truy cập này, thông tin và mật khẩu của khách hàng đã bị đánh cắp, sau đó tài khoản khách hàng đã bị lợi dụng. Trong trường hợp nguyên nhân được xác định không phải do lỗi của khách hàng, Vietcombank khẳng định quyền lợi của khách hàng hoàn toàn được bảo vệ.
Trước đó, hiện tượng khách hàng “đột nhiên” bị mất tiền trong tài khoản hoặc thẻ đang nằm trong túi nhưng vẫn có tin nhắn thông báo thẻ được sử dụng để chi trả một số dịch vụ, mua sắm hàng hóa… đã xảy ra ở không ít ngân hàng.
Sau khi soát xét thông tin, khá nhiều trong số đó là do lỗi bất cẩn của khách hàng khi sử dụng thẻ để rút tiền hay mua sắm đã để lộ thông tin cá nhân, mật khẩu khiến tội phạm thẻ có thể chiếm quyền giao dịch để thực hiện những giao dịch bất hợp pháp.
Sau những vụ việc trên, nhiều ngân hàng đã triển khai thêm các biện pháp để bảo vệ khách hàng và cả chính mình. Đơn cử như Vietcombank đã thay đổi phương thức kích hoạt dịch vụ Smart OTP.
Eximbank cũng lên tiếng khẳng định chỉ cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử tại địa chỉ duy nhất là website của ngân hàng và cũng không hợp tác với bất kỳ đơn vị nào để cung cấp đường link truy cập vào dịch vụ ngân hàng điện tử.
Bên cạnh đó, nhiều khuyến cáo cụ thể hơn đối với khách hàng hay sử dụng thẻ và tài khoản thanh toán trực tuyến cũng đã được NHNN và các ngân hàng thương mại đưa ra.
Theo ông Lê Mạnh Hùng- Cục trưởng Cục Công nghệ tin học (NHNN)- để sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử an toàn, khách hàng cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của tổ chức cung cấp dịch vụ và lưu ý thêm một số điểm như sau: Cần bảo mật thông tin về tên/mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng điện tử; không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ đối tượng nào (kể cả nhân viên ngân hàng) qua điện thoại, email, mạng xã hội…;
Bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị di động của mình khi sử dụng các thiết bị này cho các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như: Cài đặt phần mềm phòng chống mã độc hại; thiết lập tính năng xác thực khi truy cập (bằng mật mã hoặc vân tay…).
NHNN khuyến cáo, đối với mật mã truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử cần cài đặt mật mã khó đoán và thay đổi thường xuyên, không sử dụng các tính năng lưu mật mã để đăng nhập tự động. Hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử; chỉ thực hiện đăng nhập trên website chính thức của các ngân hàng và mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, tin cậy.