Để tránh rơi vào khủng hoảng năng lượng

Theo Ngọc Diệp/Báo Thời Nay

Khủng hoảng năng lượng đang dóng lên hồi chuông cảnh báo tới Việt Nam khi thời gian qua, nhiều nguồn điện ở phía bắc chậm tiến độ, trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện không chỉ xảy ra tại Trung Quốc mà kéo sang Anh, Ấn Độ và nhiều quốc gia. Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ khủng hoảng ấy.

Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp để phát điện Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Nam
Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp để phát điện Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Nam

Phân tích về thực tế này, theo ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Tthương), tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng lần này đối với Việt Nam là giá các loại năng lượng nhập khẩu sẽ tăng theo giá thế giới bởi hiện nay, Việt Nam đang là nước nhập khẩu ròng năng lượng với mức nhập khẩu đáng kể than, dầu và tương lai gần sẽ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Điều này khiến cho các loại năng lượng sản xuất trong nước cũng tăng theo với các mức độ khác nhau.

Trong khi đó, năng lượng lại là yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất điện và mọi hoạt động của nền kinh tế. Do đó, sẽ khiến chi phí sản xuất điện nói riêng và chi phí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể. Yếu tố này sẽ có tác động đến quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Nguy cơ thiếu điện hiện hữu

Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận định, hiện, Việt Nam vẫn bảo đảm được nguồn cung trong ngắn hạn và chưa đối mặt với những vấn đề phức tạp nhờ các hợp đồng nhập khẩu nguyên nhiên liệu dài hạn. Song, việc bảo đảm nhiên liệu cho các nhà máy điện than và khí trong nước trong thời gian tới cần sự điều hành thống nhất để bảo đảm cung ứng nguồn nhiên liệu than, khí giữa các tập đoàn năng lượng trong nước. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển các hạ tầng cơ sở nhập khẩu năng lượng trong thời gian tới cũng cần được bảo đảm tiến độ để duy trì khả năng nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.

Dù vậy, thực tế, với nguồn điện than và khí chiếm hơn 50% công suất nguồn điện toàn hệ thống và hiện tại, nhiều nguồn điện than tại miền bắc chậm tiến độ thì khả năng thiếu điện đang hiện hữu. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và các quyết định bổ sung, công suất nguồn điện quy hoạch cho giai đoạn 2016-2030 là 109.090 MW, trong đó các năm 2016-2020 là 35.470 MW, 2021-2025 là 45.030 MW, 2026-2030 là 28.590 MW.

Tuy nhiên, tổng công suất đã đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 28.377 MW (80% quy hoạch). Thực tế, các nguồn nhiệt điện (than, khí) chỉ thực hiện được 63%, thủy điện chỉ đạt 61%. Nhiều nhà máy khu vực miền bắc chậm tiến độ nên đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn điện trong một số thời điểm.

Bộ Công Tthương cũng đánh giá, việc phát triển nguồn điện trong những năm gần đây chưa phù hợp phân bổ và phát triển phụ tải, làm mất cân bằng cung - cầu từng miền và gây sức ép lên truyền tải từ miền trung, miền nam ra miền bắc. Việc nhiều dự án nhiệt điện than miền bắc chậm triển khai (tỷ lệ thực hiện chỉ đạt 33,9% quy hoạch), số dự án điện mặt trời được phát triển chủ yếu tại miền trung, miền nam nên miền bắc không tự cân đối được nguồn điện dẫn đến thiếu điện ở một vài thời điểm; còn miền trung, miền nam dư thừa nguồn.

Nguy cơ này cũng được thể hiện rõ qua số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia. Cụ thể, đến hết tháng 10/2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc hơn 75.148 MW. Trong đó, có khoảng 17.000 MW điện mặt trời - ĐMT (bao gồm điện mặt trời trang trại lớn và áp mái nhà).

Trong khi đó, công suất tiêu thụ điện toàn quốc thiết lập mức đỉnh kỷ lục là 42.146 MW vào trưa 21/6/2021. Nhưng cũng có thời điểm mức công suất đỉnh ghi nhận vào lúc 22 giờ - thời điểm không có sự tham gia của điện mặt trời. Tức, khi không có sự tham gia của điện mặt trời thì công suất đặt của nguồn điện chỉ còn lại khoảng 58.000 MW. 

Để bảo đảm vận hành hệ thống điện thì phải đáp ứng có cả dự phòng mức 30-40% công suất đỉnh (mức gần 17.000 MW). Đồng nghĩa với việc công suất toàn hệ thống phải đạt ngưỡng 75.000 MW (trong trường hợp không có sự tham gia của điện mặt trời). Như vậy, nhiệt điện và thủy điện vẫn đang đảm đương việc bảo đảm nhu cầu tiêu thụ điện. Và nếu công suất đỉnh lại rơi vào thời điểm điện mặt trời không khả dụng thì nguy cơ thiếu điện đang lộ rõ khi hiện nay vẫn chưa có giải pháp lưu trữ điện.

Chúng ta cần làm gì?

Đối diện với thực tế trên, rõ ràng việc tiếp tục thực hiện chuyển dịch năng lượng, thông qua việc thực hiện triệt để các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển hài hòa giữa năng lượng mới và năng lượng truyền thống là cần thiết.

Đầu tiên, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng để giảm nhu cầu năng lượng. Việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo cần tiếp tục thực hiện với một lộ trình khả thi phù hợp chi phí đầu tư công nghệ năng lượng tái tạo và giá bán điện.

Ngoài ra, nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng nhập khẩu điện và các dạng năng lượng sơ cấp cũng cần được thúc đẩy. Các yếu tố này cần thực hiện đồng bộ để bảo đảm quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam diễn ra hiệu quả và ngăn ngừa được các tác động tiêu cực.

“Việc phát triển triệt để các nguồn điện năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu, nhưng cũng cần cân nhắc các vấn đề về bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện và bảo đảm giá điện ở mức chấp nhận được, có khả năng chi trả. Điều này bảo đảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Phương án phát triển và huy động các nguồn điện này cần được thực hiện với các giải pháp đồng bộ”, đại diện Bộ Công Tthương khẳng định.