Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực dự trữ quốc gia
Trong năm 2022, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực dự trữ quốc gia và trong hệ thống Dự trữ Nhà nước.
Chuyển biến tích cực trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành
Năm 2022, Vụ Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Dự trữ Nhà nước - DTNN) tiếp tục hoàn thiện dự thảo kết luận cuộc thanh tra chuyên ngành về quản lý dự trữ quốc gia (DTQG) tại Bộ Quốc phòng. Đến nay, Tổng cục DTNN đã lưu hành kết luận thanh tra tại Bộ Quốc phòng, đồng thời, đang tiến hành thanh tra tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
Thực hiện Kế hoạch kiểm tra chuyên ngành năm 2022 được phê duyệt, Vụ Thanh tra – Kiểm tra đã thực hiện 01 cuộc kiểm tra chuyên ngành tại Cục DTNN khu vực Thanh Hóa; các Cục DTNN đã thực hiện 33 cuộc kiểm tra chuyên ngành đối với các Chi cục DTNN trực thuộc. Qua kiểm tra đã ban hành văn bản thông báo kết quả kiểm tra và kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế, góp phần tăng cường, hoàn thiện công tác quản lý hoạt động DTQG tại các Cục DTNN khu vực.
Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN và các Cục DTNN khu vực đã tiến hành các cuộc kiểm tra, tự kiểm tra chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng kho DTQG, quản lý mua, bán, nhập, xuất lương thực DTQG tại các Cục DTNN khu vực. Năm 2022, Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định số 92/ QĐ-TCDT ngày 4/3/2022 thành lập 3 đoàn kiểm tra chuyên đề quản lý, sử dụng kho DTQG tại 9 Cục DTNN khu vực.
Vụ Thanh tra - Kiểm tra cũng đã tổng hợp, trình Tổng cục DTNN ban hành Công văn số 1073/TCDT-TTKT ngày 7/7/2022 chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục những nội dung còn tồn tại, hạn chế; thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý hàng DTQG; thực hiện công tác kiểm kê hàng DTQG và tài sản thời điểm 0h ngày 01/01 hàng năm theo đúng quy định...
Sau khi xảy ra vi phạm trong khâu bốc xếp, sang bao bảo quản lương thực DTQG tại Cục DTNN khu vực Thái Bình và Tây Bắc; thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Vụ Thanh tra - Kiểm tra đã kiểm tra chuyên đề đột xuất diện rộng về công tác nhập, xuất, bảo quản lương thực DTQG tại tất cả các Cục DTNN khu vực. Đồng thời, trình Tổng cục DTNN thành lập 8 đoàn kiểm tra về quản lý nhập, xuất, bảo quản lương thực quản lý lương thực DTQG tại 18 Cục DTNN khu vực. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Vụ đã tham mưu Tổng cục DTNN ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục tồn tại vi phạm; góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý tài sản, hàng DTQG tại các Cục DTNN khu vực, tăng cường kỷ luật - kỷ cương và hiệu quả quản lý.
Ngoài ra, Vụ Thanh tra - Kiểm tra đã tham mưu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng quy định về kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ, tiếp dân. Đồng thời, triển khai, quán triệt toàn bộ các quy định về thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Thường xuyên cập nhật và quán triệt các quy định mới của pháp luật về lĩnh vực thanh tra, kiểm tra. Qua đó, nâng cao trình độ, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức trong toàn Ngành...
Phát huy hiệu quả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực DTQG
Phát huy thành tích đạt được công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong năm 2023 của Tổng cục DTNN cần tiếp tục tăng cường và hoàn thiện theo hướng sau:
Một là, tiếp tục bám sát định hướng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023 của Bộ Tài chính, hoạt động thanh tra chuyên ngành hướng đến đối tượng là các bộ, ngành quản lý hàng DTQG; các doanh nghiệp được thuê bảo quản hàng DTQG và các địa phương tiếp nhận, sử dụng nhiều hàng DTQG. Nội dung thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tập trung vào công tác mua, bán nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG; công tác tiếp nhận, phân phối, sử dụng hàng DTQG để cứu trợ, hỗ trợ...
Hai là, ưu tiên triển khai các cuộc kiểm tra theo chuyên đề diện rộng để tổng kết được thực tiễn, có nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách và quản lý điều hành DTQG. Chẳng hạn như: Tiếp tục kiểm tra chuyên đề công tác quản lý, sử dụng kho DTQG và trang thiết bị chuyên dùng phục vụ nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG; kiểm tra chuyên đề về mua, nhập hàng DTQG...
Ba là, thực hiện tốt công tác khảo sát, lập kế hoạch chi tiết cuộc thanh tra, kiểm tra để tập trung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không bị chồng chéo và rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại đơn vị. Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch được duyệt; chấp hành nghiêm quy định về thanh tra, kiểm tra; bảo đảm quy chế, kỷ luật, kỷ cương đoàn thanh tra. Hồ sơ từng cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành phải được lập và lưu trữ theo đúng quy định và bảo đảm tính khoa học...
Bốn là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện Quy chế hoạt động đoàn thanh tra, Quy chế hoạt động đoàn kiểm tra của Tổng cục DTNN; rà soát và ban hành các quy trình nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành DTQG; tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành DTQG, chú trọng hình thức tự đào tạo nghiệp vụ thông qua chế độ phân công người có kinh nghiệm hướng dẫn, kèm cặp người chưa có kinh nghiệm...
Năm là, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Vụ Thanh tra - Kiểm tra với hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên của các vụ, cục chức năng thuộc Tổng cục; giữa hoạt động kiểm tra của Phòng Thanh tra – kiểm tra với hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên của các phòng nghiệp vụ thuộc Cục DTNN khu vực. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu chung về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ DTQG của các đơn vị để phục vụ kịp thời công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hằng năm và đột xuất...