Đề xuất Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Sau khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng và đề xuất có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều, tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Cụ thể, về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc cho phép ngân hàng làm đại lý bảo hiểm. Hiện nay, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “Không cho phép các tổ chức tín dụng liên kết với các công ty bảo hiểm, giao cho nhân viên ngân hàng vận động khách hàng mua bảo hiểm.” Có ý kiến đề nghị cần phải luật hóa việc xử lý đối với các hành vi vi phạm với nhân viên của các tổ chức tín dụng, ngân hàng ép người dân phải mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 113 và tương tự tại các điều tương ứng với từng loại hình tổ chức tín dụng. Theo đó, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Về giới hạn cấp tín dụng, có ý kiến đề nghị quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan theo lộ trình cụ thể, đồng thời, giao Chính phủ quy định lộ trình này. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ nguyên quy định hiện hành.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình cụ thể với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.
Quy định rõ trường hợp kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng
Đối với kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và đề xuất của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc một trong các trường hợp: Tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi Ngân hàng Nhà nước hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước; Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục; Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà tổ chức tín dụng không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm; Bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng; Tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thấp hơn 04% trong thời gian 06 tháng liên tục; Tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.
Đồng thời, để có cơ sở xử lý các tình huống đặc biệt có thể phát sinh, kế thừa Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, dự thảo Luật quy định, trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bỏ các quy định sau: Thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính.
Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 200 của dự thảo Luật về chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ thực hiện theo pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan; bổ sung tương ứng tại khoản 15 Điều 210 (Quy định chuyển tiếp) để chuyển tiếp đối với các hợp đồng bảo đảm có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Hiệu lực thi hành áp dụng từ ngày 01/01/2025
Tiếp thu ý kiến đại biểu về chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục có giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, tăng tính hiệu lực, hiệu quả của Luật khi ban hành.
Về hiệu lực thi hành (Điều 209), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 quy định Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024.
Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật có nhiều nội dung giao hướng dẫn, quy định chi tiết, cụ thể Chính phủ là 09 nội dung, Thủ tướng Chính phủ là 01 nội dung, Ngân hàng Nhà nước là 28 nội dung.
Đồng thời, để các tổ chức tín dụng có thời gian chuẩn bị các nội dung về quản trị, điều hành, hoạt động phù hợp với quy định của Luật này sau khi được ban hành và đồng bộ với hiệu lực thi hành của một số luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý theo hướng hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 01/01/2025.