Dự án Luật Hải quan (sửa đổi):
Đề xuất quyền dừng phương tiện và địa điểm kiểm tra sau thông quan
(Tài chính) Thảo luận về dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) vào ngày 11/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề của dự thảo Luật như tổ chức bộ máy, địa điểm kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong xử lý hành vi buôn lậu.
Ba nhóm ý kiến về tổ chức bộ máy
Về hệ thống bộ máy Hải quan, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ba nhóm ý kiến. Nhóm ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo. Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị không tổ chức nhiều cục Hải quan trên địa bàn một tỉnh, thành phố; việc tổ chức phải bảo đảm yêu cầu không tăng biên chế, không tăng tổ chức bộ máy, đồng thời đề nghị quy định các tiêu chí cụ thể để thành lập, tổ chức lại các cục Hải quan mà không giao Thủ tướng Chính phủ quy định. Nhóm ý kiến thứ ba cho rằng, việc tổ chức hệ thống Hải quan cần gắn với hệ thống hành chính trên địa bàn, đồng thời đề nghị cần làm rõ quan hệ giữa cơ quan Hải quan với chính quyền địa phương.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ quy định của Luật Hải quan hiện hành, cục Hải quan được tổ chức theo mô hình tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay đã có 34 cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh được thành lập, hoạt động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở các địa bàn khác nhau, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khối lượng công việc khác nhau, việc quy định cơ quan Hải quan gắn với địa giới hành chính như Luật hiện hành là chưa phù hợp.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động xuất nhập khẩu trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, bảo đảm sự chặt chẽ trong việc thành lập tổ chức Hải quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định có tính chất nguyên tắc trong việc thành lập cục Hải quan như dự thảo Luật và chỉnh lý về mặt kỹ thuật nội dung này theo hướng “Việc thành lập Cục Hải quan, Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương căn cứ khối lượng công việc, quy mô, tính chất hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đặc thù, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn”. Đây là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng đề án thành lập tổ chức bộ máy và xem xét, quyết định thành lập đối với từng trường hợp cụ thể phù hợp với quá trình hiện đại hóa hải quan.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ban soạn thảo chỉnh sửa lại câu chữ để rõ ý và tránh tình huống xảy ra việc một tỉnh, thành phố thành lập hai hoặc ba cục Hải quan. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng khẳng định quan điểm của Bộ Tài chính là không thành lập nhiều cục Hải quan trên địa bàn một tỉnh, thành phố. "Hiện ngành Hải quan có 34 cục trong đó có 11 cục là liên tỉnh, 23 cục là trên địa bàn một tỉnh. Quy định như trong dự thảo Luật là để hướng tới mục tiêu giữ các cục liên tỉnh và nếu có điều kiện thì tạo cơ sở sáp nhập nhiều cục thành cục liên tỉnh" - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Đề xuất quyền dừng phương tiện nếu nghi vấn
Liên quan đến thẩm quyền của cơ quan Hải quan, công chức Hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 89), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, phạm vi hoạt động của cơ quan hải quan là khu vực đặc thù liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Đối với các hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, chất nổ, buôn lậu, gian lận thuế... nếu không quy định lực lượng Hải quan có thẩm quyền tạm giữ người vi phạm thì các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu thoát qua biên giới hoặc lên máy bay, phương tiện vận tải khác để xuất cảnh, không đáp ứng yêu cầu kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, xử lý đúng người, đúng tội.
Xuất phát từ thực tế đó, Điều 66 Luật Hải quan hiện hành đã quy định thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong việc tạm giữ người, phương tiện vận tải nếu có căn cứ cho rằng có hành vi cất giấu hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tuy nhiên, quy định hiện hành không cho phép cơ quan Hải quan có thẩm quyền dừng phương tiện vận tải để kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, kể cả trong địa bàn hoạt động của hải quan. Vì vậy, ngay trong địa bàn hoạt động hải quan, lực lượng Hải quan cũng khó có thể ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, trong khi pháp luật hiện hành vẫn giao cho cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, chủ động phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Xuất phát từ thực tiễn khó khăn, phức tạp của việc phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng như tình hình gia tăng loại tội phạm này, đồng thời để đảm bảo hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép dự thảo quy định theo hướng tiếp tục giao nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cho lực lượng Hải quan, đồng thời bổ sung các thẩm quyền tương ứng với nhiệm vụ đó. Theo đó, trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển có thẩm quyền dừng phương tiện vận tải, tạm giữ người, áp giải người vi phạm.
Theo phương án này, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo Luật Hải quan một điều để sửa đổi, bổ sung thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời nghiên cứu, bổ sung những thẩm quyền này khi sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự và xây dựng Luật Tổ chức điều tra hình sự.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu đồng tình với quan điểm tăng thêm thẩm quyền cho cơ quan Hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Địa điểm KTSTQ ở đâu?
Liên quan đến quy định về địa điểm KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan hay trụ sở người khai hải quan (mục 9 Chương III), có hai nhóm ý kiến. Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định về KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp phải mang các hồ sơ, chứng từ, tài liệu, sổ sách đến cơ quan Hải quan kiểm tra. Theo đó, việc KTSTQ sẽ được tiến hành chủ yếu tại trụ sở người khai hải quan.
Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng việc quy định KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan trong 60 ngày kể từ ngày thông quan là không khả thi, không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 76 là “Thời hạn KTSTQ là 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan” và không phù hợp với Luật Quản lý thuế. Hơn nữa việc giao thẩm quyền quyết định KTSTQ cho nhiều chủ thể khác nhau như Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục KTSTQ, Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ mà không phân định rõ thẩm quyền đó được giao trong trường hợp nào dễ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp, không rõ trách nhiệm.
Do vấn đề này còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến hai phương án như trong dự thảo Luật theo hướng. Phương án 1: Quy định KTSTQ được tiến hành tại trụ sở cơ quan Hải quan và tại trụ sở người khai hải quan với thời hạn là 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan cho tương ứng với các quy định của Luật Quản lý thuế. Quy định theo phương án này phù hợp với năng lực thực hiện KTSTQ của tổ chức bộ máy hải quan, đồng thời phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế, hạn chế việc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan.
Phương án 2: Chỉ quy định việc KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan để tránh việc người khai hải quan phải mang nhiều tài liệu đến cơ quan hải quan. Tuy nhiên theo phương án này sẽ phải sửa đổi Điều 77 và Điều 78 Luật Quản lý thuế, đồng thời trong thực tiễn cũng cần phải kiện toàn, tăng cường tổ chức bộ máy hải quan làm nhiệm vụ KTSTQ. Trong các phương án trên, thẩm quyền ra quyết định KTSTQ chỉ giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Cục trưởng cục hải quan.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, dự thảo Luật sẽ theo hướng KTSTQ tại trụ sở của người khai hải quan bởi KTSTQ là kiểm tra trên cơ sở chứng từ, hợp đồng, vì vậy kiểm tra tại trụ sở của người khai hải quan là phù hợp. Ngoài ra, việc KTSTQ tại cơ quan Hải quan cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế. Liên quan đến người có thẩm quyền ra quyết định KTSTQ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị bổ sung Cục trưởng Cục KTSTQ theo phương án mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra.