Đề xuất sửa quy định về địa bàn hoạt động của hải quan
Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2015/NĐ-CP (Nghị định 01) quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Bộc lộ bất cập về cơ sở pháp lý và thực tiễn
Theo Bộ Tài chính, qua 2 năm triển khai thực hiện, Nghị định 01 đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số vướng mắc.
Đơn cử như tại Khoản 1, Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2016 quy định khu phi thuế quan, địa bàn khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo – tỉnh Quảng Trị và khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo – tỉnh Hà Tĩnh không được xác định là khu phi thuế quan, do không có “hàng rào cứng” ngăn cách với khu vực bên ngoài.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương: “Khu hải quan riêng là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu này với phần lãnh thổ còn lại là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu, bao gồm: khu phi thuế quan và các khu có tên gọi khác được thành lập theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Do đó, việc nghiên cứu rà soát lại phạm vi địa bàn hoạt động tại 2 khu vực này để đảm bảo phù hợp với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 cũng như các luật liên quan là cần thiết.
Ngoài ra, liên quan đến địa bàn hoạt động hải quan, Bộ Tài chính cũng cho rằng có nhiều điểm nêu tại Nghị định 01 hiện đã không theo kịp yêu cầu thực tế.
Thực tiễn trong thời gian qua số lượng cửa khẩu phụ, lối mòn, lối mở, điểm xuất hàng được UBND các tỉnh thành lập rất nhiều, tại mỗi địa điểm có phạm vi ranh giới khá rộng. Theo thống kê sơ bộ tại 15 tỉnh (Long An, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang, Lào Cai, Đắk Lắk, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Quản Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang) có 92 cửa khẩu phụ, lối mòn, lối mở không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 7 Luật Hải quan quy định địa bàn hoạt động hải quan khác: khu vực, địa điểm kiểm tra khác đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, được phép xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ. Như vậy, đối với các địa điểm do UBND cấp tỉnh biên giới thành lập không thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Như vậy, các quy định của pháp luật nêu trên chưa đồng nhất, do đó cần có hướng dẫn cụ thể làm cơ sở pháp lý cho cơ quan hải quan tổ chức lực lượng và thực hiện hoạt động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có hiệu quả.
Đồng bộ cơ sở pháp lý
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ Tài chính dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 01 cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, dự thảo Nghị định sửa đổi 5 Điều, bổ sung 1 Điều mới. Trong các Điều sửa đổi, bổ sung có nội dung sửa đổi về phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Cụ thể, về phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa (Điều 3), dự thảo có sửa đổi phạm vi một số cửa khẩu cho phù hợp với mốc quốc giới, xác định rõ ranh giới theo địa giới hành chính mới, xác định rõ vị trí tiếp giáp, chiều sâu của địa bàn; bổ sung một số cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, địa điểm xuất hàng.
Về phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại các khu vực ngoài cửa khẩu (Điều 8), dự thảo bổ sung địa bàn tại trụ sở cơ sở gia công lại để phù hợp với Điều 59, Điều 60 Luật Hải quan.
Cùng với đó, trong công tác phối hợp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, dự thảo cũng bổ sung công tác lập hồ sơ, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho phù hợp với Điều 89 Luật Hải quan năm 2014.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi một số địa giới hành chính, mốc quốc giới tại một số địa bàn hoạt động hải quan được quy định tại Phụ lục Nghị định. Cụ thể: mốc giới tại cửa khẩu Bắc Luân tỉnh Quảng Ninh, mốc quốc giới 261 tại cửa khẩu Thanh Thủy tỉnh Hà Giang; tại một số địa giới có sự xác định, điều chỉnh địa giới như cửa khẩu Tà Lùng tỉnh Cao Bằng, cửa khẩu Đắkpeur tỉnh Đắklăk, cửa khẩu Bình Hiệp tỉnh Long An, cửa khẩu Lào Cai tỉnh Lào Cai; tại một số cửa khẩu chưa xác định ranh giới theo chiều sâu, ranh giới, vị trí tiếp giáp như cửa khẩu Chi Ma tỉnh Lạng Sơn.
Đồng thời, Nghị định bổ sung một số quy định: cửa khẩu phụ, lối mở biên giới do Uỷ ban nhân dân tỉnh công bố được thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; Bổ sung địa bàn “khu hải quan riêng”; Bổ sung địa bàn “trụ sở cơ sở gia công lại”; Bổ sung địa bàn “Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt”; Bổ sung công tác lập hồ sơ tại Điều 11, Điều 15 Nghị định; Bổ sung 01 Điều mới về công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho phù hợp với Điều 89 Luật Hải quan năm 2014.../.