Đề xuất thu thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng biển số xe qua đấu giá


Sáng ngày 7/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết "Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá".

Phiên thảo luận đã thu hút 14 lượt đại biểu phát biểu, 01 đại biểu phát biểu tranh luận đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị quyết. Đa số các ý kiến đóng góp đều cơ bản nhất trí cao với việc thí điểm thực hiện quyền cấp lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Đại biểu ghi nhận nội dung này đã có quá trình chuẩn bị nghiên cứu công phu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đã lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực có liên quan. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổinhững điểm cần thay đổi, bổ sung để hoàn thiện dự thảo.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - đoàn ĐBQH Bắc Giang đề xuất cần thiết bổ sung đăng ký tài sản là biển số xe qua đấu giá vào thu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản là biển số xe. Do biển số xe được chọn qua đấu giá là tài sản, có thể có giá trị rất lớn qua đấu giá hoặc khi chuyển nhượng. Ông Phạm Văn Thịnh nêu rõ, hiện nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012 và Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ năm 2022 về lệ phí trước bạ chưa có 2 đối tượng thu nhập và tài sản này.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh cũng đề nghị nguồn thu từ đấu giá quyền chọn biển số nên phân chia hai cấp ngân sách trung ương và địa phương theo tỷ lệ 40/60. Các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá chọn biển số sẽ vui hơn khi biết được số tiền mình nộp cho ngân sách sẽ được điều tiết một phần về địa phương, tức là sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của quê hương nơi mình đang sinh sống.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH Trà Vinh cho rằng, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá là hết sức cần thiết. Đại biểu này cho biết, việc thí điểm đấu giá biển số xe đã được thực hiện tại Nghệ An từ năm 2008 và trước đó, Công an TP. Hải Phòng cũng từng tổ chức đấu giá biển số xe; tuy nhiên sau đó phải dừng vì vướng luật. Ông Thạch Phước Bình nhắc tới công tác này tại Nghệ An, chỉ sau một đêm với 10 biển số Công an Nghệ An đã thu được 2,4 tỷ đồng, bổ sung vào Quỹ vì người nghèo.

Trong đó, biển số được đấu giá cao nhất được bán với giá 700 triệu đồng, cao gấp 14 lần so với giá sàn được đưa ra là 50 triệu đồng. Người trúng đấu giá ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cũng rất vui khi mua xe mua được biển số đẹp đúng ý của mình. Cũng trong buổi đấu giá này, có 9 người khác cũng đã mua được biển số đẹp đúng ý mình với giá cũng khá cao với 440 triệu đồng; 310 triệu đồng...

Tuy nhiên, do biển số xe là tài sản công phục vụ quản lý nhà nước, biển số đưa ra đấu giá là biển số chưa được đăng ký, nằm trong hệ thống đăng ký quản lý xe của Bộ Công an nên khi tổ chức đấu giá phải kết nối hệ thống đăng ký quản lý xe của Bộ Công an với Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản để đấu giá và đăng ký biển số trúng đấu giá.

Do đó, trong thời gian thực hiện thí điểm, để đảm bảo an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu hệ thống đăng ký quản lý xe khi kết nối, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tiết kiệm thời gian, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở, hình thức để lựa chọn một đơn vị tổ chức đấu giá. Đặc biệt là làm rõ các điều kiện, tiêu chí lựa chọn ra một tổ chức đấu giá, đồng thời công khai, minh bạch để kiểm soát, hạn chế rủi ro và có thể dẫn đến tiêu cực.

Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - đoàn ĐBQH tỉnh Long An, tại Điều 5 dự thảo quy định giao cho Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ đấu giá biển số, tại Tờ trình và Báo cáo giải trình của Chính phủ cũng đã nhất quán chính sách là các khoản thu từ đấu giá thuộc nguồn thu ngân sách Trung ương hưởng 100% theo Luật Ngân sách Nhà nước. Do đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị nội dung cốt lõi này đưa vào trong Nghị quyết, và được quản lý sử dụng theo quy định của pháp luật.

Giải trình các vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cảm ơn những ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở các ý kiến này, Bộ Công an sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến về một số nội dung chính như: tên gọi Nghị quyết, phạm vi thí điểm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, biển số xe được đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước, việc quản lý, sử dụng tiền thu được thông qua đấu giá, quy trình thủ tục đưa ra đấu giá…

Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng để báo cáo lên Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Quốc hội thông qua theo đúng quy định của pháp luật.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Chính phủ, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp.

Việt Hoàng