Kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

Việt Hoàng

Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, sôi nổi, chiều ngày 5/11, Quốc hội đã kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã phát biểu làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Chiều ngày 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, đã có 46 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm nay tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Thu ngân sách nhà nước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản đạt 45 tỷ USD và xuất khẩu gạo trên 6 triệu tấn. Sản xuất công nghiệp tăng 9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,2%. Trên 178 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 58,3% so với cùng kỳ...

Thời gian tới, Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; khắc phục những hạn chế, yếu kém; phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu năm 2022 và tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2023.

Thủ tướng khẳng định, trên tinh thần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, Chính phủ sẽ chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả. Kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác...

Đồng thời, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu và nhiều dự án thua lỗ kéo dài. Trong đó, đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém; Đã có phương án xử lý đối với 5/12 dự án và đang rất tích cực xây dựng phương án khả thi, hiệu quả nhất xử lý đối với 7/12 dự án còn lại và các dự án phát sinh khác; Xử lý xong, đưa vào hoạt động nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1... Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch cơ cấu lại, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý rủi ro, nâng cao năng lực tài chính, quản trị của các tổ chức tín dụng yếu kém và các doanh nghiệp, dự án thua lỗ kéo dài. 

Đối với các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy các thị trường này phát triển. Đến nay, thị trường vốn đã cơ bản phát triển đầy đủ với các cấu phần thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Quy mô các thị trường này và thị trường bất động sản tăng mạnh.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, diễn biến tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản khiến các thị trường này phát sinh nhiều rủi ro. Lý do được chỉ rõ là nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi tiếp cận vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; đa số các nhà đầu tư là nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hạn chế; một số ít doanh nghiệp vi phạm quy định trong phát hành trái phiếu, thị trường bất động sản có cơ cấu chưa hợp lý, mặt bằng giá tăng cao và thanh khoản gặp khó khăn...

Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém; đồng thời có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm các thị trường này hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, trước hết là đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và sửa một số nghị định, thông tư liên quan. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tính tuân thủ của các doanh nghiệp, đối tác tham gia thị trường. Kiểm soát tốt hơn hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người yếu thế với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau"...

Thủ tướng Chính phủ cũng báo cáo trước Quốc hội về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu; Về giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Về vấn đề bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; Về tình hình xây dựng, thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và năm 2023...

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Quốc hội hoan nghênh sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và thực hiện những điều đã cam kết trước Quốc hội, cử tri, Nhân dân cả nước từ những kỳ họp trước, cũng như kỳ họp này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận kết quả phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội đã nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước, bám sát chủ đề chất vấn đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao. 

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và Nhân dân gửi đến các kỳ họp, triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp cần thiết, khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với những lĩnh vực vừa được chất vấn.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, yếu kém, vướng mắc còn tồn tại và khó khăn, thách thức phải vượt qua. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đã tâm huyết đóng góp, gợi mở cho Chính phủ, các bộ, ngành nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết, Chính phủ sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tâm huyết, phù hợp, khả thi của các đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước để sớm triển khai thực hiện, xử lý, bên cạnh đó, cũng có những vấn đề cần phải tiếp tục tập trung nghiên cứu, giải quyết, khắc phục cả trước mắt và lâu dài.