Đến 20/2 sẽ tích hợp việc nộp thuế cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia


Đó là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp triển khai thanh toán trực tuyến phí, lệ phí và thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia ngày 14/2.

Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp việc nộp thuế của doanh nghiệp, phấn đấu đến 20/2 sẽ tích hợp việc nộp thuế cá nhân.
Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp việc nộp thuế của doanh nghiệp, phấn đấu đến 20/2 sẽ tích hợp việc nộp thuế cá nhân.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, từ khi Cổng dịch vụ công quốc gia được khai trương, đến nay được hơn 2 tháng, hiện đã có 1,26 triệu bộ hồ sơ đồng bộ, 14,4 triệu lượt truy cập, 51.780 tài khoản truy cập. Các bộ, ngành liên quan cùng các ngân hàng thương mại đã phối hợp chặt chẽ, xây dựng hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tích hợp với một số ngân hàng.

Đối với lĩnh vực Thuế,  thực hiện Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một số ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán để nghiên cứu, xây dựng, cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến; đồng thời, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Công an để tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp khai, nộp thuế và thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Báo cáo cho biết, về việc nộp thuế trực tuyến, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) để thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu Sổ thuế cá nhân phục vụ cho việc nộp thuế cá nhân, thuế trước bạ trực tuyến.

Văn phòng Chính phủ đang xây dựng nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, trong đó các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử sẽ không cần phải có chữ ký mà đưa vào hồ sơ điện tử, vẫn đảm bảo vấn đề pháp lý.

Hiện nay, các bên đang phối hợp để xử lý vấn đề kỹ thuật liên quan đến vướng mắc về máy chủ bảo mật, phấn đấu hoàn thành để có thể đưa vào triển khai việc tra cứu, nộp thuế cá nhân trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ 20/2/2020.

Tuy nhiên, hiện nay đang có vướng mắc là quy định xác thực giao dịch Internet banking, chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Còn đối với việc thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, hiện các bên cơ bản thống nhất quy trình nghiệp vụ, nội dung thông tin tích hợp, chia sẻ dữ liệu hai chiều.

Theo quy định hiện hành thì việc in, sử dụng và quản lý biểu mẫu biên bản xử lý vi phạm giao thông là do công an các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm, thực hiện chủ yếu bằng giấy. Vì vậy, việc triển khai dịch vụ này đồng bộ trên toàn quốc vào quý I còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công sẽ tạo dư địa để tăng trưởng, trên cơ sở huy động tốt các nguồn lực xã hội, giảm thua thiệt do dịch bệnh đang gây ra cho nền kinh tế. Đặc biệt là việc nộp thuế, nộp tiền vi phạm giao thông qua online, nếu làm tốt thì sẽ giúp giảm thời gian và chống tiêu cực, minh bạch cho người dân.

Do đó, ông khẳng định quyết tâm là cần sớm đưa thanh toán online vào các hoạt động này, triển khai nhanh và đồng bộ. Việc thực hiện online trực tuyến phải phải được thực hiện liên tục, tự động hóa và công khai.

Chính phủ yêu cầu Kho bạc nhà nước phải là đơn vị chủ động để tích hợp, có vai trò trong tra soát, đối soát với cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và cơ quan thuế. 

Theo VNPT - đơn vị xây dựng và vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, để tiến hành thanh toán trực tuyến hiệu quả, các đơn vị liên quan phải vào cuộc đồng bộ. Bởi thực tế hiện nay, yêu cầu đặt ra là phải thay đổi quy trình thanh toán, nhưng có tới 50 - 60% đơn vị chưa đảm bảo triển khai việc thanh toán online.

Dự kiến đến ngày 12/3, Văn phòng Chính phủ sẽ khai trương trung tâm báo cáo quốc gia để phục vụ điều hành cho Chính phủ. Theo đó, thay vì báo cáo giấy sẽ báo cáo bằng điện tử, kết nối từ trung ương đến bộ ngành, tỉnh, huyện xã, nhằm tạo thông suốt từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, thực hiện sơ kết 3 tháng triển khai vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, công bố bổ sung các dịch vụ công mới.