Đến 2015, nhiều nhất chỉ cần 20 ngân hàng

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Nhìn lại làn sóng sáp nhập ngân hàng trong mùa đại hội cổ đông vừa qua, có ý kiến cho rằng, dường như đây chỉ là một trào lưu thời thượng....

Chủ trương sáp nhập ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là một bước đi đúng nhằm tạo nên những ngân hàng mới mạnh hơn. Tuy nhiên, nhìn lại làn sóng sáp nhập ngân hàng trong mùa đại hội cổ đông vừa qua, có ý kiến cho rằng, dường như đây chỉ là một trào lưu thời thượng. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan có cuộc trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN trong một vai trò mới- Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Đông Á.

Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến một số ngân hàng liên tiếp công bố kế hoạch sáp nhập trong mùa đại hội cổ đông vừa qua chỉ là một trào lưu?

Đến 2015, nhiều nhất chỉ cần 20 ngân hàng  - Ảnh 1
TS. Cao Sỹ Kiêm,
nguyên Thống đốc NHNN
TS. Cao Sỹ Kiêm: Thực hiện kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, NHNN đang có chủ trương sáp nhập các ngân hàng nhỏ lẻ với nhau hoặc với các ngân hàng lớn hơn để mở rộng vốn, thị trường, tăng đội ngũ nhân lực, công nghệ, kỹ thuật. Đây là một xu hướng tất yếu, theo yêu cầu cấp thiết của các ngân hàng vì trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt hiện nay, bên cạnh thực trạng vốn liếng, khả năng kinh doanh thiếu và yếu, nếu không có những thay đổi chiến lược, nâng sức mạnh, khả năng rủi ro, tụt hậu của các ngân hàng rất lớn.

Do đó, việc sáp nhập vừa nằm đề án tái cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng đã được Chính phủ phê duyệt, vừa là yêu cầu của thị trường chứ không phải theo trào lưu hay “chạy” theo một kế hoạch nào cả.

Cũng có nhận định cho rằng, sáp nhập các ngân hàng là để giải quyết vấn đề sở hữu chéo giữa một số ngân hàng. Theo quan điểm của ông, việc các ngân hàng sáp nhập có hóa giải được vấn đề sở hữu chéo?

Sở hữu chéo là tình trạng chung của các ngân hàng trên thế giới. Về bản chất, sở hữu chéo cũng có mặt tốt của nó, đó là hỗ trợ, chi viện vốn lẫn nhau giữa các ngân hàng. Nhưng ở Việt Nam, sở hữu chéo mang nội dung không lành mạnh, có lợi ích nhóm, làm méo mó hình thức sở hữu này. Do đó, một mặt phải khắc phục sở hữu chéo, mặt khác sáp nhập các ngân hàng cũng là một cách giải quyết sở hữu chéo tích cực, triệt để, tận gốc hơn.

Trong việc sáp nhập, ngoài việc chọn đối tác, theo ông các ngân hàng còn cần chú ý thêm điều gì nữa?

Ngoài việc tìm được đối tác hợp lý, trên cơ sở tổng kết hàng năm, ngân hàng phải tập trung khắc phục những nhược điểm trong điều hành kể cả về khách hàng, công nghệ, chất lượng, lãnh đạo, cán bộ tác nghiệp, phải sửa thật nhanh, nâng thật tốt hiệu quả kinh doanh và vị thế sau khi sáp nhập hoặc liên kết.

Theo ông, với hệ thống ngân hàng hiện nay cần bao nhiêu ngân hàng là đủ vì hiện ngành ngân hàng đang hướng đến việc nâng quy mô vốn?

Theo hướng dẫn của NHNN, hiện nay, để một ngân hàng hoạt động tốt, quy mô vốn cần khoảng 5.000 - 7.000 tỷ đồng trở lên là hợp lý. Như vậy, số lượng ngân hàng cũng cần phải rút đi. Từ nay đến 2015 chỉ cần khoảng 15 đến 17, nhiều nhất là 20 ngân hàng. Hiện nay chúng ta có 30 ngân hàng nên khi sắp xếp lại phải tạo ra mô hình ngân hàng có sức cạnh tranh, tạo ra ảnh hưởng khu vực và thế giới.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng với Việt Nam, hệ thống ngân hàng chỉ nên duy trì ở quy mô vừa, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, không cần sáp nhập thành những ngân hàng lớn. Ý kiến của ông như thế nào?

Việt Nam cũng như các nước, ngân hàng phải có 3 nấc. Thứ nhất là một vài ngân hàng có sự cạnh tranh khu vực, thế giới. Thứ hai là có những ngân hàng phục vụ phạm vi toàn quốc nhưng nấc quan trọng thứ ba là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn phải có ngân hàng nhỏ, vừa, phục vụ cho nông thôn.

Thời gian qua chúng ta mở nhiều ngân hàng nhưng tập trung ở thành thị nên bỏ trống “trận địa” nông thôn. Trong khi ở thành thị, lượng khách hàng có hạn đã tạo ra sự cạnh tranh vô lối, không lành mạnh kiểu đưa lãi suất lên, tranh cướp khách hàng của nhau hay có những yếu tố làm dòng vốn bị lệch lạc, méo mó như thời gian qua.

Hiện ngành ngân hàng cũng đang có hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, liệu nhiều ngân hàng vừa và nhỏ có gây nên sự chồng lấn không, thưa ông?

Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân hiện mới chỉ có ở 10% xã phường, còn 90% xã phường chưa có. Khoảng trống này đòi hỏi ngân hàng và quỹ tín dụng phải khỏa lấp vì chúng ta mới chỉ có hơn 1.000 cơ sở tín dụng hay ngân hàng hợp tác, như vậy còn thiếu các cơ sở ngân hàng, quỹ tín dụng tại 11.000 xã phường.

Xin cảm ơn ông!