Đến năm 2025, có 80% người thất nghiệp được giới thiệu việc làm miễn phí


Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong đó tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ chủ yếu quản trị thị trường lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đó là nội dung tại Quyết định số 2269/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN".

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% người lao động đang đóng BHTN bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (người thất nghiệp) được tư vấn miễn phí khi có nhu cầu; 80% người thất nghiệp được giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu, trong đó có 60% được giới thiệu việc làm thành công.

Đến năm 2030, phấn đấu 90% người thất nghiệp được giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu, trong đó có 70% được giới thiệu việc làm thành công... Bên cạnh đó, còn có các mục tiêu như: tăng tỷ lệ người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng, tỷ lệ người lao động đang tham gia BHTN được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm; 100% nhân sự thực hiện BHTN tại trung tâm dịch vụ việc làm được đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu...

Nhằm thực hiện mục tiêu đã nêu, Chính phủ cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: hoàn thiện các quy định của pháp luật về BHTN; hệ thống tổ chức thực hiện BHTN đảm bảo tinh gọn, hiệu quả;  quy trình nghiệp vụ thực hiện BHTN; nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự thực hiện BHTN.

Song song với đó, cần đổi mới cơ chế tài chính về BHTN; tăng cường cơ sở vật chất trong việc thực hiện BHTN; tăng cường ứng dụng CNTT trong việc thực hiện BHTN; đẩy mạnh tuyên truyền về BHTN; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị thực hiện BHTN; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BHTN.

Trong đó, thống nhất việc tổ chức thực hiện BHTN tại các trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc, có sự liên thông giữa các địa phương và yếu tố đặc thù của từng địa phương trên cơ sở phân loại mức độ phát triển thị trường lao động, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Các trung tâm dịch vụ việc làm cần có tổ chức bộ máy thực hiện BHTN đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và đáp ứng nhu cầu người lao động.

Tiến hành đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ thực hiện BHTN thống nhất trên toàn quốc, có sự liên thông giữa các địa phương và yếu tố đặc thù của từng địa phương theo hướng đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và các biện pháp hỗ trợ duy trì việc làm.

Xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp, đảm bảo nhân sự thực hiện BHTN được tuyển dụng phải có đủ năng lực và kỹ năng phù hợp để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thị trường lao động biến động nhanh chóng...