Năm 2025, đưa tỷ trọng thanh toán tiền mặt xuống dưới 8%

PV.

Đó là một trong những mục tiêu cụ thể được đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018.

Đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%. Nguồn: internet
Đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%. Nguồn: internet

Theo đó, mục tiêu được đề ra là đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; Đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, một trong các giải pháp được đề tại Chiến lược là phát triển, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế.

Theo đó, cấu trúc lại hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo hướng tập trung, hiện đại; Xây dựng và phát triển Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ, giao dịch thẻ; Hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng đảm bảo kết nối thông suốt và tự động hóa khi kết nối với Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động; Hoàn thiện chức năng giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế.

Đồng thời, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Trong đó, đa dạng hóa các kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng theo hướng mở rộng hợp lý mạng lưới kênh truyền thống kết hợp với đẩy mạnh phát triển các kênh giao dịch ngân hàng hiện đại (E-banking, mobile banking, internet banking...) thông qua ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật; Tiếp tục phát triển, sắp xếp hợp lý mạng lưới ATM và POS trên toàn quốc đảm bảo hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có khả năng đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chưa được, hoặc ít được ngân hàng phục vụ; Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử; Phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử theo hướng hoàn thiện, tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các đơn vị để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, tại các điểm bán lẻ và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trực tuyến...