Đến thời cổ đông mong trả cổ tức bằng... cổ phiếu

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Trong năm nay, cổ phiếu ngành ngân hàng được dự đoán sẽ tiếp tục thăng hoa với nguồn cầu lớn, giá cổ phiếu cao, nhiều cổ đông chờ đợi ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Nhiều cổ đông cũng như nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng lại muốn năm nay được chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì “đòi” trả bằng tiền mặt như một vài năm trước đây, do cổ phiếu đang trên đà lấy lại “thời hoàng kim”. Nguồn: Internet
Nhiều cổ đông cũng như nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng lại muốn năm nay được chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì “đòi” trả bằng tiền mặt như một vài năm trước đây, do cổ phiếu đang trên đà lấy lại “thời hoàng kim”. Nguồn: Internet

Dù chưa có quyết định, nhưng hàng loạt nhà băng tiết lộ mức chi trả cổ tức năm nay sẽ tăng cao hơn năm ngoái, tuy nhiên bằng tiền mặt hay cổ phiếu thì còn phải cân nhắc. 

Hiện nay, một số ngân hàng đã chuẩn bị cho mùa Đại hội cổ đông vào tháng 4 tới, trong đó, một vấn đề quan trọng được các cổ đông quan tâm là việc chia cổ tức. 

Hứa chia cổ tức hậu hĩnh

Một cổ đông LienVietPostBank cho biết năm 2017, kết quả kinh doanh của ngân hàng khả quan, lợi nhuận tăng cao. Vì vậy, các cổ đông hy vọng sẽ được chi trả cổ tức khoảng 15%.

Với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2017, rất nhiều ngân hàng đã hứa chi trả cổ tức tăng mạnh như: HDBank, TPBank, LienVietPostBank, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank…

Hiện nay, LienVietPostBank đã bắt đầu chuẩn bị cho mùa Đại hội cổ đông sắp tới. Ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc, cho biết: “Tính đến 30/11/2017, LienVietPostBank có vốn điều lệ đạt 6.460 tỷ đồng, tổng tài sản gần 154.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn hơn 141.000 tỷ đồng, tổng dư nợ trên 98.000 tỷ đồng…, đều tăng mạnh so với đầu năm. Vì vậy, dự kiến tăng tỷ lệ trả cổ tức từ 12% lên 15%”. 

Tại HDBank, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Đặng, dự định chia cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2017 cho cổ đông với tỷ lệ 25 – 30%. VIB và VPBank cũng được dự báo với tỷ lệ 32,83% và 44,6% (cổ tức tiền mặt 5% và cổ phiếu thưởng là 39,6%).

Tổng giám đốc một ngân hàng có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng cho biết với chỉ tiêu lợi nhuận trên 2.200 tỷ đồng trước thuế đưa ra cho năm 2017, nhà băng này đã vượt kế hoạch khi chưa kết thúc năm. Vì thế, hội đồng quản trị sẽ quyết mức cổ tức không dưới 10%, nhưng bằng tiền mặt hay cổ phiếu thì chưa thể tiết lộ.

Trong khi đó, Vietcombank đề xuất giữ lại 50% cổ tức của Nhà nước được chia trong năm 2017 để tăng vốn. Còn VietinBank đề nghị Chính phủ cho ngân hàng được giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu.

Đón nhận thông tin này của Vietinbank, một cổ đông chia sẻ: trong năm nay, cổ phiếu ngân hàng được dự đoán sẽ tiếp tục thăng hoa với nguồn cầu lớn, giá cổ phiếu cao, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp cổ đông đạt giá trị cao hơn tiền mặt.

Các chuyên gia nhận định nhiều cổ đông cũng như nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng lại muốn năm nay được chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì “đòi” trả bằng tiền mặt như một vài năm trước đây, do cổ phiếu đang trên đà lấy lại “thời hoàng kim”.

Cổ phiếu ngân hàng sẽ “dậy sóng”

Theo các chuyên gia, năm 2018, các ngân hàng tiếp tục kỳ vọng về lợi nhuận do nền kinh tế đang dần hồi phục, hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng được cải thiện, nợ xấu dần được xử lý kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 được ban hành… Đây là các yếu tố tác động tích cực lên lợi nhuận của ngân hàng trong các năm tới và sẽ tác động tích cực tới giá cổ phiếu trong năm nay. 

Khảo sát mới công bố của Vietnam Report cho thấy có hơn 45% đối tượng được hỏi là các chuyên gia và doanh nghiệp niêm yết cho rằng nhóm cổ phiếu tài chính – ngân hàng sẽ tăng trưởng và có khả năng sinh lời tốt nhất thị trường chứng khoán trong năm nay.

Chỉ số VN-Index hiện đã lên vùng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đóng góp vào đà tăng trưởng đó là nhóm cổ phiếu ngân hàng với cú bứt phá ngoạn mục của các cổ phiếu: VCB, VPB, HDB, SHB…

Chẳng hạn, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/1, cổ phiếu VPB tăng 3.150 đồng (6,4%) lên 52.400 đồng/cổ phiếu; MBB tăng 1.700 đồng (6,07%) lên 29.700 đồng, ACB tăng lên 39.500 đồng… Thậm chí, đầu năm 2017, một số cổ phiếu được xếp vào nhóm giá “bèo” dưới 10.000 đồng thì nay đã có bước nhảy vọt lên gần 20.000 đồng như: NCB, HDB… 

Thực tế cũng cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam rất lớn, nhất là trong thời gian gần đây, hoạt động của ngành này đang tăng trưởng mạnh. 

Điều đó phần nào được thể hiện qua thương vụ HDBank chào bán hơn 21% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vừa qua, lượng đặt mua gấp 3 lần lượng chào bán… 

Đồng thời, sức cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với một số cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên sàn cũng tăng mạnh thời gian qua.