Dệt may, giày dép chạy đua ứng dụng công nghệ 4.0
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 7 tháng của năm 2022, ngành dệt may, giày dép của tỉnh đã xuất khẩu được gần 4,2 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, ngành Dệt may, giày dép chiếm gần 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong những năm qua, dệt may, giày dép luôn là 2 ngành xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai. Để giữ chân khách hàng truyền thống và mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp (DN) đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất.
Giữ chân khách hàng bằng chất lượng
Các DN dệt may, giày dép trên địa bàn Đồng Nai đa số sản xuất theo đơn đặt hàng của những nhãn hàng quốc tế. Hiện nay, 2 nhóm hàng trên sản xuất tại Đồng Nai đã xuất qua gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có một số thị trường chính là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới gặp khó khăn, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, đơn đặt hàng của nhiều mặt hàng tiêu dùng giảm, các DN khó khăn hơn trong việc tìm và giữ đơn hàng. Tuy nhiên, các DN Đồng Nai vẫn giữ được các đơn hàng và tăng xuất khẩu là do ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng được yêu cầu của nhãn hàng và người tiêu dùng trên thế giới.
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (TP.Biên Hòa) Bùi Thế Kích cho biết: “Sau đại dịch COVID-19, các DN dệt may gặp rất nhiều khó khăn vì nguyên phụ liệu đầu vào, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao. Bên cạnh đó, các DN chịu sự cạnh tranh của mặt hàng cùng loại đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Tổng công ty May Đồng Nai vẫn giữ được mức tăng trưởng khoảng 70% là do ứng dụng công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Trên lĩnh vực giày dép, các DN tại Đồng Nai liên tục có những đổi mới trong sản xuất, đưa những máy móc thiết bị mới vào khâu sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, giảm lao động, hoàn thành các đơn hàng khó trong thời gian ngắn.
Vì vậy, nhiều nhãn hàng đã tin tưởng, ưu tiên những đơn hàng lớn cho các nhà máy ở Đồng Nai. Sau đại dịch COVID-19, dù vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do suy giảm kinh tế thế giới nhưng các nhà máy dệt may, giày dép trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất, xuất khẩu khá nhanh.
Tổng giám đốc điều hành khu vực Việt Nam Tập đoàn Phong Thái Lê Quốc Thanh chia sẻ: “Tập đoàn có 5 công ty tại Đồng Nai chuyên sản xuất giày xuất khẩu. Xu hướng chung của các nhãn hàng quốc tế là yêu cầu các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo, từng bước chuyển qua sản xuất xanh. Theo đó, tập đoàn từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các dây chuyền sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chí về sản xuất xanh của nhãn hàng”.
Dệt may và giày dép của Việt Nam giữ vị trí thứ 2 trên thế giới
Năm 2020, xuất khẩu dệt may và giày dép Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc). Thế nhưng, 2 ngành này vẫn chịu sự cạnh tranh gay gắt của mặt hàng cùng loại đến từ các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Indonesia… Các DN trên 2 lĩnh vực này đã luôn nỗ lực giữ vững sản xuất, xuất khẩu sang nhiều thị trường.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, toàn ngành Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt 43,5 tỷ USD. Như vậy, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 còn gần 50%.
Tuy nhiên, ngành Dệt may Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trước mắt khi nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh COVID-19 bởi các biến chủng mới vẫn đang hiện hữu. Nhiều quốc gia là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
“Để ngành Dệt may tăng sức cạnh tranh, giữ thị phần ở thị trường nội địa và xuất khẩu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các DN cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng. Đồng thời, DN chú trọng giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang” - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước đạt gần 12 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tại Đồng Nai, xuất khẩu giày dép 7 tháng của năm 2022 đạt gần 3,1 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Hiện Đồng Nai đang là một trong 4 tỉnh, thành có xuất khẩu giày dép lớn nhất Việt Nam.
Việt Nam là nơi sản xuất, xuất khẩu mặt hàng giày dép, dệt may đứng thứ 2 trên thế giới với sự đóng góp lớn của các DN tại Đồng Nai. Đặc biệt là ngành giày dép, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đang chiếm 22,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Để giữ vững được vị trí trên và mức tăng trưởng cao như những năm qua, các DN phải đáp ứng được yêu cầu của đối tác và đòi hỏi của người tiêu dùng trên thế giới.