Bloomberg:

Đi mua nhà, người Việt Nam vẫn cầm theo vàng và tiền mặt

Theo Lan Anh/zing.vn

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng bị coi là ở đang ở “thời kỳ cổ xưa” khi chưa gia nhập xu thế giao dịch phi tiền mặt toàn cầu.

Trường hợp anh Trần Văn Nhân, 47 tuổi, là một điển hình. Anh vừa mua một căn hộ 2 phòng ngủ giá 138.000 USD ở Hà Nội bằng vàng và tiền mặt. "Tôi trả một nửa bằng vàng và phần còn lại bằng tiền mặt. Tôi làm như vậy vì chủ nhà không muốn nhận tiền chuyển khoản. Chúng tôi quá quen với việc mua bán bằng tiền mặt và vàng”, anh Nhân cho biết.

Thống kê cho thấy chỉ 31% người Việt trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Và hơn 95% giao dịch thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt và vàng. Nhà kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết ước tính người Việt Nam đang tích trữ khoảng 400 tấn vàng. 

"Thói quen sử dụng tiền mặt và vàng đã ăn sâu vào văn hóa của người Việt. Điều đó kìm hãm sự phát triển của Việt Nam. Chính phủ hiểu rõ để Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, cần phải thay đổi văn hóa phụ thuộc vào tiền mặt”, ông Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

 

Thiếu hệ thống thanh toán hiện đại kìm hãm nền kinh tế

Theo số liệu của ngân hàng Standard Chartered, chỉ 4,1% người Việt Nam sử dụng thẻ tín dụng. “Khoảng 80% khách hàng của tôi trả tiền mặt và tôi cũng cảm thấy thoải mái khi nhận tiền mặt hơn là thẻ tín dụng”, chị Nguyễn Thu Hương, 44 tuổi, quản lý một cửa hàng quần áo ở trung tâm TP.HCM, cho biết.

800x1

Chị Trần Thị Lệ, một thư ký 35 tuổi sống ở TP.HCM, cho rằng việc thay đổi thói quen thanh toán là không hề dễ dàng. Hiện tại chị vẫn giữ vàng và tiền mặt trong nhà. "Đây là thói quen khó bỏ của nhiều người Việt", chị nhấn mạnh.

Theo nhà kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc chưa thể áp dụng hệ thống thanh toán hiện đại đang kìm hãm nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó vay vốn bởi các tổ chức tài chính không có cách nào xác minh doanh thu của họ.

“Các doanh nghiệp này có sổ sách ghi lại giao dịch tiền mặt để trình lên cơ quan thuế. Nhưng ngân hàng không thể xác minh được liệu những con số này có chính xác hay không”, ông Hiếu nói.

Trên thực tế, chính phủ Việt Nam coi nhiệm vụ hiện đại hóa hệ thống thanh toán trên toàn quốc là ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các ngân hàng giảm giao dịch tiền mặt xuống dưới 10% vào cuối năm 2020.

Đồng thời, thanh toán điện tử được thúc đẩy tại các trung tâm thương mại và siêu thị ở những thành phố lớn. Chính phủ muốn ít nhất 70% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng.

Điều kiện để thực hiện cách mạng về thanh toán

Chính phủ Việt Nam cũng kêu gọi người dân sử dụng các hệ thống thanh toán điện tử, chẳng hạn như mã QR. Theo quy định mới, các nhà cung cấp dịch vụ công cộng, từ bệnh viện đến trường học, sẽ ngừng nhận tiền mặt kể từ tháng 12/2019.

Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện một cuộc cách mạng về thanh toán. Dân số Việt Nam trẻ, được đánh giá là rành công nghệ. Khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh và dễ dàng tiếp cận với các hệ thống thanh toán điện tử. Một số công ty thương mại điện tử toàn cầu đã đến Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Công thương, doanh thu từ thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD vào năm 2018, gấp đôi so với 3 năm trước. Khoảng 1/3 dân số đã bắt đầu mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, hầu hết đơn hàng trực tuyến vẫn được thanh toán bằng tiền mặt.

800x1_1

Ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết chính phủ hiện vẫn chưa áp dụng khung pháp lý cần thiết để phổ biến thanh toán điện tử.

Theo thông tin từ trang web chính phủ, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ trình lên Thủ tướng đề xuất điều chỉnh các giao dịch phi tiền mặt sớm nhất là vào quý III/2019.

Mặc dù vậy, việc áp dụng thẻ tín dụng hàng loạt quá nhanh cũng có thể dẫn tới hậu quả xấu. Hàn Quốc là một ví dụ nổi bật. Hồi đầu thập niên 2000, tình trạng sử dụng thẻ tín dụng mất kiểm soát đã đẩy nhiều hộ gia đình Hàn Quốc vào tình trạng nợ nần.

Khi đó, cứ 13 người Hàn Quốc thì có một người trễ hạn trả nợ ít nhất 3 tháng. Và 2/3 trong số đó nợ thẻ tín dụng.