Đi tìm thông lệ quốc tế
Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), năm 2016, VIAC thụ lý 155 vụ, giá trị tranh chấp bình quân 14 tỷ đồng/vụ. Trong đó, các vụ tranh chấp trong nước chiếm 60%, thời gian giải quyết bình quân mỗi vụ trong năm 2016 là 153 ngày. Có thể thấy, đã có sự chuyển hướng đáng kể trong việc lựa chọn giữa phán quyết của trọng tài và của Tòa án.
Việc giải quyết tranh chấp thương mại thông qua con đường trọng tài là một thông lệ quốc tế và được nhiều nước trên thế giới lựa chọn. Với Việt Nam, vấn đề này hơi khác một chút, ban đầu là sự lựa chọn của các doanh nghiệp nước ngoài, sau đó mới đến các doanh nghiệp Việt Nam. Dấu hiệu đáng mừng là dần dần các doanh nghiệp ngày càng coi hoạt động trọng tài như một phương thức linh hoạt và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp, thay vì khiếu kiện tại các tòa án. Điều này xuất phát từ nhu cầu pháp lý nội tại của doanh nghiệp.
Trọng tài quốc tế thường được các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lựa chọn khi gặp những tranh chấp đối với các hợp đồng giá trị lớn. Phán quyết của trọng tài quốc tế có hiệu lực tại phần lớn các khu vực tài phán trên thế giới theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài (NYC).
Đa phần các nước thành viên NYC áp dụng các điều khoản NYC, các nước công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài trong phạm vi quyền tài phán của nước họ. Công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài quốc tế thông qua tòa án Việt Nam không là ngoại lệ. Như vậy, nếu không lựa chọn thì phán quyết của trọng tài quốc tế vẫn có hiệu lực pháp lý tại Việt Nam.
Hơn nữa, để phản đối việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài không hề đơn giản. Trước hết, theo các điều khoản của NYC, nếu bên phải thi hành phán quyết phản đối việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, thì bên này cần đưa ra những bằng chứng để chứng minh cho sự phản đối của họ. Quy trình này hết sức tốn kém.
Thực tế, sau khi tham gia Công ước New York về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài, Việt Nam đã nội luật hóa các quy định của Công ước và đưa vào Bộ luật Tố tụng dân sự, làm cơ sở pháp lý cho việc công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài.
Ngoài ra, tính đến nay Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế song phương với các nước khác về tương trợ tư pháp, trong đó đều có đề cập đến việc công nhận bản án của tòa án cũng như phán quyết của trọng tài. Trong số đó, 9 hiệp định dẫn chiếu đến Công ước New York và 4 hiệp định có quy định riêng. Gần đây nhất, ngày 25/7/2014, TANDTC đã ban hành Công Văn số 246/TANDTC-KT về việc giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh thương mại của trọng tài nước ngoài. Trong đó có hướng dẫn cụ thể hơn về việc giải thích và áp dụng các căn cứ để từ chối công nhận và cho thi hành.
Tuy nhiên, tỷ lệ phán quyết trọng tài nước ngoài bị từ chối công nhận và cho thi hành tại Việt Nam vẫn còn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Rõ ràng có sự mâu thuẫn ở đây, giữa một bên là sự lựa chọn theo thông lệ quốc tế và một bên là tỷ lệ từ chối công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Vấn đề do đâu? Có lẽ đã đến lúc cần có sự khảo sát, tổng kết thực tiễn từ chối, công nhận và cho thi hành những phán quyết của trọng tài quốc tế, để tránh được sự cố pháp lý ngoài mong muốn, nhất là việc bồi thường trách nhiệm khi chậm, hoặc không thực thi phán quyết với tư cách là nước thành viên của Công ước New York.