Xây dựng hệ thống xử lý nước thải: Nhiệm vụ cấp bách
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 12/2016, cả nước có khoảng 800 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa trung bình đạt khoảng 36,6%. Dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ dân số đô thị sẽ chiếm khoảng 50% dân số. Vì thế, Chính phủ coi việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải là một nhiệm vụ cấp bách.
Khó khăn về nguồn vốn đầu tư
Theo Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam Fujita Yasuo, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn đang hoạt động chưa theo kịp tốc độ tăng mạnh của nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Cùng với đó, theo Bộ Xây dựng, hệ thống thoát nước đô thị đang dùng chung cho tất cả các loại nước thải và nước mưa; được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, đồng bộ, nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp.
Ở các đô thị thuộc các tỉnh lị hay các vùng xa, thậm chí còn chưa xây dựng các đường ống xử lý nước thải. Tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn rất thấp. Tình trạng nước thải sinh hoạt, sản xuất được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại sau đó theo các tuyến cống và xả trực tiếp ra môi trường, thậm chí xả thẳng vào nguồn tiếp nhận, không xử lý vẫn diễn ra hàng ngày ở cả đô thị và nông thôn. Trong khi phương pháp xử lý nước thải truyền thống cần các nhà máy, trạm xử lý nước tập trung.
Cả nước hiện có khoảng 37 nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đô thị với tổng công suất đạt 890.000m3/ngày đêm. Ước tính khoảng 12-13% lượng nước thải sinh hoạt được xử lý phù hợp trước khi xả thải vào môi trường. Một nguyên nhân được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra là do khó khăn về nguồn vốn đầu tư.
Chính quyền địa phương không đủ sức trang trải chi phí đầu tư cơ bản cho các công trình này nếu không có hỗ trợ từ Trung ương hoặc từ nguồn vốn phát triển chính thức, hoặc cả hai. Trong khi đó, phí nước thải có thể thu được từ người sử dụng không đủ trang trải chi phí vận hành và bảo trì, cũng như không thể đáp ứng chi phí xây dựng hoặc thay thế.
Còn đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực xử lý nước thải đô thị chưa đáng kể. Đến nay, sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực này thường trên cơ sở mời tham gia hoặc đấu thầu tự nguyện, sau đó là một hợp đồng được thương thảo mà không có sự cạnh tranh hoặc không minh bạch hoàn toàn.
Tăng trách nhiệm về dịch vụ thoát nước
Theo các chuyên gia của Nhật Bản, xét về mục tiêu trung và dài hạn, việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn là vô cùng cần thiết. Dự kiến đến năm 2025, cả nước sẽ có thêm 40 nhà máy xử lý nước thải tập trung, đưa tổng công xuất xử lý nước thải lên 2,4 triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên, xây dựng những nhà máy như vậy cần rất nhiều chi phí cũng như đất đai, kể cả việc phải đào tạo thêm nhiều chuyên viên kỹ thuật. ADB ước tính Việt Nam cần đến hơn 20 tỷ USD để giảm tác động môi trường của hành động xả chất thải đô thị và công nghiệp, trong đó có nước thải.
Ngoài ra, cho dù có xây dựng các nhà máy xử lý nước thải như vậy cũng không thể xử lý cho toàn bộ các khu vực. Bởi vậy, đi đôi với phương pháp xử lý nước thải truyền thống, các chuyên gia môi trường của Nhật Bản đã gợi ý Việt Nam nên áp dụng những công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải phi tập trung tại các khu vực đô thị địa phương, các khu vực ở trên cao ngay trong các đô thị lớn, hay các khu vực ít dân cư, vùng sâu, vùng xa, khu vực quần đảo nhỏ… để không phải xây dựng các nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn.
Đặc biệt, theo ADB, cần “phi tập trung hóa và tăng chịu trách nhiệm” trong lĩnh vực quản lý cấp và thoát nước. Cụ thể là các công ty cấp thoát nước tại địa phương phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về tuân thủ các chính sách, quy định và tiêu chuẩn và chịu trách nhiệm trước người dân về dịch vụ cấp, thoát nước mà người dân phải trả phí.
Chính quyền địa phương cũng phải có đủ năng lực thực hiện vai trò được giao về quy hoạch, thực thi, quản lý và vận hành các dịch vụ cấp, thoát nước. ADB cũng khẳng định, đầu tư xử lý nước thải công nghiệp có thể mang lại lợi ích kinh tế đáng kể xét về khía cạnh cải thiện môi trường trong dài hạn. Nếu so sánh với chi phí của hệ thống thoát nước đô thị, mạng lưới thu gom nước thải công nghiệp chỉ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất nhỏ do số cơ sở xả thải ít, có thể thu hồi trực tiếp chi phí đầu tư từ các cơ sở công nghiệp liên quan.