Dịch vụ trông giữ xe dịp đầu xuân tại Hà Nội: Ngang nhiên “thổi giá”
Gần như vào mỗi mùa lễ hội, lực lượng chức năng lại tỏa đi các địa bàn, nhất là các điểm vui chơi công cộng, di tích lịch sử, văn hóa để kiểm tra việc chấp hành quy định trông giữ xe máy, ô tô. Không ít trường hợp vi phạm đã bị xử phạt, thậm chí tước giấy phép hoạt động. Tuy vậy, quy định, nhiều điểm trông giữ xe tự phát vẫn mọc lên, đã vậy còn “thổi giá” dịch vụ lên cao, có nơi gấp 2 - 3 lần mức giá quy định.
Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã qua. Thời điểm này khắp nơi lại bắt đầu vào mùa lễ hội nên lưu lượng người dân đến các địa điểm vui chơi công cộng, di tích lịch sử, văn hóa, đền, chùa, phủ, miếu tăng đột biến…
Tại Hà Nội, các địa điểm du lịch tâm linh như: Đền Quán Thánh, chùa Chấn Quốc, phủ Tây Hồ, tổ đình Phúc Khánh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám lượng người đến du xuân, hành lễ rất đông. Tại khu vực phủ Tây Hồ, năm nay Ủy ban Nhân dân (UBND) và Đoàn Thanh niên quận Tây Hồ không còn tổ chức các điểm trông giữ xe miễn phí ở cạnh cổng ra vào như mọi năm, nên ở ngay các đường dẫn vào phủ mọc lên nhiều điểm trông xe không phép.
Những người trông giữ xe ở đây đứng dưới lòng đường mời chào, chặn các phương tiện để chỉ dẫn, đưa xe vào các điểm trông giữ tự phát, với mức thu trung bình 10 - 20.000 đồng/xe máy và 50.000 đồng/ô tô, thậm chí cao hơn.
Tại khu vực đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc vào các ngày mùng 6, 7, 8 Tết, bãi trông giữ phương tiện ở đây đều kín xe. Điều đáng nói, nhiều người đi du xuân, vãn cảnh chùa ở trong tâm thế ấm ức khi phải chịu mức giá trông giữ “cắt cổ” (20 - 30.000 đồng/xe máy). Trong khi đó, tổ đình Phúc Khánh (Đống Đa) không có điểm trông giữ chính thức. Vì vậy cả một dải vỉa hè dọc hai bên cổng tổ đình được người dân tận dụng để trông giữ phương tiện.
Tất cả các điểm trông giữ này đều là tự phát và sử dụng vé xe tự tạo. Tình trạng đội giá cũng diễn ra khi các xe đến gửi tại đây phải trả với mức phí từ 20.000 đồng/xe máy. Trong khi đó, dù công an vẫn có, song lực lượng này chủ yếu vẫn chỉ đứng trực, nhắc nhở người dân không dừng đỗ phương tiện dưới lòng đường, chứ không can thiệp, xử lý chuyện tăng giá trông giữ xe - anh Nguyễn Văn Hải - một người dân đi lễ cho biết.
Quy định đã rõ
Theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND thành phố, từ ngày 1/1/2018, giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu phí mới. Đối với xe máy, vé ngày là 5.000 đồng/xe, vé tối là 8.000 đồng/xe, phí gửi xe cả ngày và đêm là 13.000 đồng. Còn với ô tô, phí đỗ 2 tiếng đầu là 50.000 đồng/xe, sang tiếng thứ 3, 4 là 35.000 đồng/xe/giờ, bắt đầu từ tiếng thứ 5 trở đi là 45.000 đồng/xe/giờ, phí gửi cả ngày là 300.000 đồng/xe…
Có thể thấy, mức giá trên đã tăng gấp đôi so với trước (trước đây, đỗ xe ô tô 2 tiếng đầu là 30.000 đồng và 120.000 đồng/8 tiếng; vé ngày của xe máy là 3.000 đồng, vé tối là 5.000 đồng)…
Trước tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các bãi trông giữ phương tiện, điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí sai quy định... Cụ thể, trong Công văn số 113/UBND-ĐT về tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các bãi trông giữ phương tiện do Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký ban hành đã yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị của thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện, bảo đảm đồng bộ từ khâu quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm đỗ xe, bãi trông giữ xe, các trường hợp phương tiện dừng, đỗ không đúng nơi quy định trên hè, lòng đường các tuyến phố.
Thực hiện chủ trương này, yêu cầu kiên quyết xử lý, giải tỏa các điểm, bãi trông giữ xe trái phép; dỡ bỏ biển “P” tại các điểm dừng đỗ sai quy định không phép, sai phép...; đặc biệt, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với các điểm trông xe trái phép, tự ý nâng giá vé trông giữ xe trên địa bàn, đồng thời thu hồi ngay giấy phép đối với các điểm trông giữ xe tái vi phạm nhiều lần hoặc gây bức xúc trong nhân dân, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Vũ Văn Viện cho biết.