Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2017 đạt trên 1,283 triệu tỷ đồng
Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 đạt trên 1,283 triệu tỷ đồng, vượt 71.000 tỷ đồng (5,9%) so với dự toán. Các nhiệm vụ chi thường xuyên đã cơ bản được thực hiện theo dự toán. Bội chi ngân sách là hơn 174.000 tỷ đồng, bằng 3,48% GDP, trong phạm vi dự toán.
Dự toán thu cân đối ngân sách năm 2018 là hơn 1,319 triệu tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 1,099 triệu tỷ đồng, thu dầu thô đạt 35.900 tỷ đồng và dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu là 179.000 tỷ đồng. Dự toán chi ngân sách ở mức trên 1,522 triệu tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên là 940.740 tỷ đồng. Dự toán bội chi ngân sách khoảng 204.000 tỷ đồng (3,7% GDP).
Năm 2017, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 18,17%
Tín dụng chủ yếu tập trung vào sản xuất - kinh doanh (chiếm 80% tổng dư nợ). Trong đó, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tăng mạnh với 23%; tín dụng công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%, lĩnh vực thương mại dịch vụ có mức tăng khá, xuất khẩu đạt 14,03%; Doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 11,53%. Dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2018 đạt khoảng 17%.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt kỷ lục mới hơn 53 tỷ USD
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 09/01/2018, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay đã đạt mức kỷ lục mới hơn 53 tỷ USD. Đáng chú ý, quy mô này liên tục tăng trong những tháng cuối năm 2017 và ngay tuần đầu năm 2018.
Với nguồn cung ngoại tệ lớn, những ngày giao dịch cuối năm 2017, tỷ giá USD/VND trên thị trường đã có những biến động, lần đầu tiên giá đồng USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vượt 22.710 VND - mức mua vào tham khảo của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Dự báo lạm phát năm 2018 duy trì ở mức dưới 4%
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, lạm phát năm 2017 giảm so với năm 2016 do giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng chậm hơn, trong khi giá thực phẩm giảm.
Do vậy, lạm phát năm 2018 sẽ chịu áp lực chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) và giá thực phẩm. Nếu không có yếu tố đột biến, lạm phát năm 2018 dự báo duy trì ở mức tương đương với mức tăng của năm 2017 (dưới 4%). Tuy nhiên, lạm phát năm 2018 có thể tăng cao hơn khi giá điện tăng mạnh, nếu tăng 8 - 10% thì lạm phát tăng 0,1 - 0,15 điểm phần trăm.
Năm 2017, nợ xấu giảm 9,4%
Nợ xấu giảm từ 17% (năm 2014) xuống 12% (năm 2016) và 9,4% (năm 2017). Tuy nhiên, trong năm 2018, lĩnh vực Tài chính vẫn phải đối mặt với 4 thách thức chính: (i) Từ tài chính quốc tế, ông Donal Trump đã quyết định gỡ bỏ một số kiểm soát, hạn chế đối với tài chính ngân hàng, đặc biệt là đối với thị trường chứng khoán Hoa Kỳ; (ii) Doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cả ngân hàng, vẫn rất yếu, nhất là vốn và nhân lực; (iii) Rủi ro chính quyền; (iv) Lãi suất cho vay khó giảm.