Điểm lại sự kiện nổi bật của ngành Tài chính tháng 3/2022

Trần Huyền

Trong tháng 3/2022, ngành Tài chính diễn ra nhiều hoạt động quan trọng. Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại một số sự kiện nổi bật của ngành Tài chính trong tháng.

1. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Tham dự phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thay mặt Chính phủ trình bày các tờ trình và tham gia giải trình tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan đến thuế chuyển nhượng bất động sản tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp tục thanh tra những hồ sơ còn nghi vấn về việc chuyển nhượng.

Điểm lại sự kiện nổi bật của ngành Tài chính tháng 3/2022 - Ảnh 1

Về giải pháp để thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động chỉ đạo cơ quan thuế cũng như phối hợp với chính quyền địa phương và các bộ, ngành để thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng.

Giải trình về vấn đề thu thuế với hoạt động thương mại điện tử, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính đã rất chủ động trong vấn đề thu thuế, quản lý thuế trên môi trường mạng xuyên biên giới.

Bộ trưởng thông tin, thời gian qua, ngành Thuế đã thu thuế gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên môi trường mạng. Trong đó, Facebook đã nộp 1.694 tỷ đồng, Google nộp 1.618 tỷ đồng, Microsoft nộp 576 tỷ đồng.

2. Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC năm 2022

Nhận lời mời của Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan - Chủ tịch Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC năm 2022, sáng ngày 16/3/2022, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến. Cùng tham dự Hội nghị có đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Đại diện các quốc gia thành viên APEC tham dự Hội nghị tại các điểm cầu.
Đại diện các quốc gia thành viên APEC tham dự Hội nghị tại các điểm cầu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà đã thông tin về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp chủ yếu của Việt Nam về tài khóa và tiền tệ nhằm phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP từ 6,5-7% giai đoạn 2022-2025; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

"Chúng tôi tin rằng, các ưu tiên hợp tác của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính năm nay về bền vững tài chính và số hóa cho nền kinh tế số sẽ đóng góp tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế nhanh, bền vững và toàn diện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương hậu đại dịch COVID-19. Chúng tôi sẽ tiếp tục là thành viên có trách nhiệm của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC." - Thứ trưởng nhấn mạnh.

3. Công bố vận hành Cổng thông tin điện tử cho Nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng Etax-Mobile

Sáng ngày 21/3, Tổng cục Thuế tổ chức Lễ công bố vận hành Cổng thông tin điện tử cho Nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động Etax-Mobile. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc dự và chỉ đạo buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Lễ công bố vận hành Cổng thông tin điện tử cho Nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế xuyên biên giới và khai trương ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động Etax - Mobile kết nối liên thông 54 ngân hàng - Kho bạc Nhà nước - cơ quan Thuế. Theo Bộ trưởng, đây là hai dịch vụ mang đến tiện ích rất lớn cho người nộp thuế, góp phần giúp toàn ngành Thuế tăng thu ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn và các đại biểu thực hiện nghi lễ kích hoạt công bố triển khai Cổng TTĐT dành cho NCCNN và ứng dụng eTax - Mobile.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn và các đại biểu thực hiện nghi lễ kích hoạt công bố triển khai Cổng TTĐT dành cho NCCNN và ứng dụng eTax - Mobile.

Ngay sau buổi lễ công bố vận hành Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động Etax-Mobile, cơ quan thuế các cấp tiếp tục triển khai các giải pháp, biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế sử dụng dịch vụ thuế điện tử qua ứng dụng ETax - Mobile, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

4. Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.

Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Có thể nói, giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp mạnh mẽ thể hiện sự chia sẻ thiết thực của Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh giá dầu thô thế giới tăng cao vừa qua và tiếp tục được dự báo tăng trong thời gian tới.

5. Ký kết Quy chế mua bán ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước và Dự trữ ngoại hối Nhà nước

Sáng ngày 9/3, tại Trụ sở Bộ Tài chính, Lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức Ký kết Quy chế mua bán ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước và Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đồng chủ trì Lễ ký.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam NguyễnThị Hồng chứng kiến Lễ ký.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam NguyễnThị Hồng chứng kiến Lễ ký.

Nhằm tăng cường phối hợp trong việc điều hành thị trường ngoại hối, đồng thời tạo thuận lợi cho ngân sách nhà nước cân đối ngoại tệ phục vụ cho các khoản chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp xây dựng Quy chế mua bán ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước và Dự trữ ngoại hối nhà nước. Quy chế đã chuẩn hóa quy trình mua, bán ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước, dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức, rút ngắn thời gian thực hiện mua, bán ngoại tệ của ngân sách nhà nước. 

Việc ký kết Quy chế mua bán ngoại tệ giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước góp phần cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa 02 cơ quan theo Quy chế phối hợp công tác và trao đổi thông tin giữa hai bên từ năm 2012. 

6. Tiếp nhận Cổng thông tin điện tử Quỹ Vắc xin phòng COVID-19

Chiều ngày 22/3, tại Trụ sở Kho bạc Nhà nước, Ban Quản lý Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 đã tiếp nhận Cổng thông tin điện tử Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 từ Tập đoàn Sovico.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, từ ý tưởng thành lập Cổng Thông tin điện tử đến từ Tập đoàn Sovico, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Kho bạc Nhà nước đã phối hợp, chỉ trong vòng 1 tháng, Cổng đã được hoàn thành và ra mắt, được nhân dân ủng hộ. Nguồn đóng góp vào Quỹ Vắc xin đã bổ sung vào việc mua vắc xin để tiêm cho người dân. "Đến nay, Việt Nam đã trở thành 1 trong 6 quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân nhiều nhất thế giới. Từ đó, đưa nước ta trở về trạng thái bình thường mới." - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đại diện Ban Quản lý Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 và Tập đoàn Sovico ký kết bàn giao Cổng thông tin điện tử Quỹ Vắc xin phòng COVID-19.
Đại diện Ban Quản lý Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 và Tập đoàn Sovico ký kết bàn giao Cổng thông tin điện tử Quỹ Vắc xin phòng COVID-19.

Để ghi nhận sự đóng góp hiệu quả của các đơn vị trong việc xây dựng, vận hành hoạt động của Cổng thông tin Quỹ vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian qua, tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho nhà tài trợ Tập đoàn Sovico, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, Kho bạc Nhà nước và Báo VietNamnet.

7. Bộ Tài chính tổ chức cuộc làm việc tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án khu công nghiệp, đô thị dọc Quốc lộ 5B

Chiều ngày 31/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) về một số nội dung liên quan tới các dự án khu công nghiệp, khu đô thị dọc theo tuyến Quốc lộ 5B do VIDIFI làm chủ đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc làm việc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc làm việc.

Qua các ý kiến trao đổi tại cuộc họp, Bộ trưởng cho biết sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ dừng, thu hồi chủ trương giao cho VIDIFI làm chủ đầu tư 9 khu công nghiệp và đô thị hiện nay. Đồng thời, giao lại cho địa phương tiếp nhận lại, triển khai tiếp các dự án này để thu hút các nhà đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các địa phương phải chỉ đạo các chủ đầu tư mới sau khi trúng đấu giá dự án thì phải hoàn trả lại cho VIDIFI các chi phí triển khai dự án đã bỏ ra. “Cần nỗ lực phối hợp, hỗ trợ nhau để giải quyết nhanh các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

8. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc với Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương

Chiều ngày 18/3/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có cuộc làm việc với bà Manuela Ferro - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương để trao đổi về những nội dung hai bên cùng quan tâm và định hướng hợp tác trong thời gian tới.

Bộ trưởng khẳng định, WB là đối tác quan trọng hỗ trợ cho Việt Nam. WB đã cung cấp các nguồn lực lực tài chính, đóng góp quan trọng cho công tác hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển bền vững của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương Manuela Ferro.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương Manuela Ferro.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là chống biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng cao, đầu tư hệ thống đường giao thông, hệ thống xử lý rác thải... Do đó, Việt Nam cần có sự hỗ trợ của WB. Đối với những dự án đã và đang triển khai, Bộ trưởng mong muốn WB tiếp tục hỗ trợ, có thể thành lập các tổ kỹ thuật để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.

Đồng thời, Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng cũng mong muốn WB hỗ trợ về vấn đề chuyển đổi số, quản lý thuế, hải quan đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý thuế, xây dựng hải quan thông minh. Bộ trưởng nhấn mạnh, chủ trương của Việt Nam là chỉ vay trong khả năng trả nợ, chỉ vay cho những dự án hết sức cần thiết và đảm bảo mang lại hiệu quả.

9. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc với ông Shimizu Akira – Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam

Ngày 1/4/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có cuộc làm việc với ông Shimizu Akira – Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam nhằm cập nhật tình hình và định hướng hợp tác giữa Bộ Tài chính và JICA thời gian tới.

Quang cảnh cuộc làm việc.
Quang cảnh cuộc làm việc.

Về quan hệ hợp tác với Nhật Bản và JICA, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tinh thần quan hệ đối tác, lâu dài, tin cậy và truyền thống giữa Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam, Bộ Tài chính mong muốn được đàm phán các khoản vay hỗ trợ ngân sách cũng như tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để Việt Nam hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hải quan. Bộ Tài chính cũng mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác với JICA để thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên quan trọng của ngành Tài chính thông qua tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ ODA.

10. Fitch Ratings duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “Tích cực”

Theo Bộ Tài chính, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã khẳng định xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “Tích cực”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việc tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức BB, triển vọng “Tích cực” trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều biến động và thách thức là kết quả của việc triển khai tích cực các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng cũng như thành quả kiểm soát đại dịch để ổn định đời sống, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam.

Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với Fitch Ratings, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực nhằm đưa ra quan điểm sát thực, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.