Điểm mới của dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán
Theo chương trình xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán nhà nước chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán để thay thế Nghị định số 108/2013/NĐ-CP và Nghị định số 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP. Bài viết giới thiệu những điểm mới của dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
Thêm nhiều điều khoản quy định
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) gồm 04 Chương, 50 Điều, tăng 05 Điều so với Nghị định 108/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 145/2016/NĐ-CP. Cụ thể:
Chương I: Những quy định chung, gồm 05 Điều (từ Điều 1 đến Điều 5): Dự thảo Nghị định quy định chi tiết các tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK theo yêu cầu tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định số 81/2013/NĐ-CP) của Chính phủ hướng dẫn và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính. Ví dụ: công ty đại chúng, tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, tổ chức kiểm toán được chấp thuận, tổ chức tư vấn chào bán/phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức đấu thầu, đại lý phát hành,công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, cổ đông, nhà đầu tư là tổ chức...
Chương II: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, gồm 37 Điều (từ Điều 6 đến Điều 42): Quy định cụ thể các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, được phân ra 16 Mục tương ứng với các nhóm vi phạm: Vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ; vi phạm quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam; vi phạm quy định về phát hành trái phiếu ra nước ngoài và phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài; vi phạm quy định về phát hành thêm cổ phiếu; vi phạm quy định về công ty đại chúng; vi phạm quy định về chào mua công khai; vi phạm quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán; vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán; vi phạm quy định về kinh doanh chứng khoán và hành nghề chứng khoán; vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán; vi phạm quy định về đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán, ngân hàng giám sát/lưu ký; vi phạm quy định về công bố thông tin, báo cáo; vi phạm quy định về kiểm toán đơn vị có lợi ích công chúng...
Chương III: Thẩm quyền xử phạt, lập biên bản vi phạm hành chính và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, gồm 05 Điều (từ Điều 43 đến Điều 47): Quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được phạt tiền đến mức tối đa trong lĩnh vực chứng khoán. Cụ thể phạt tiền tối đa đến 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức, 05 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhâncó hành vi thao túng, nội gián; tối đa đến 03 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm khác.
Chương IV: Điều khoản thi hành, gồm 03 Điều (từ Điều 48 đến Điều 50): Quy định về việc thi hành Nghị định, thời điểm có hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp để hướng dẫn việc áp dụng quy định xử phạt đối với hành vi xảy ra trước thời điểm Nghị định có hiệu lực nhưng chưa bị xử phạt hoặc sau đó mới phát hiện, nguyên tắc áp dụng có lợi cho đối tượng xử phạt trong áp dụng trách nhiệm pháp lý.
Nhiều điểm mới trong xử phạt vi phạm
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK có nhiều điểm mới so với Nghị định số 108/2013/NĐ-CP và Nghị định số 145/2016/NĐ-CP bao gồm:
Về phần quy định chung, dự thảo Nghị định bổ sung quy định chi tiết các tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK theo yêu cầu tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP. Tương ứng với mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán đã được nâng lên theo quy định tại Điều 132 Luật Chứng khoán 2019, Dự thảo Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với hành vi vi phạm giao dịch nội bộ và thao túng thị trường chứng khoán trong trường hợp có khoản thu trái pháp luật mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quy định mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi khác là 03 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định bổ sung 01 điều tại phần quy định chung về giải thích các từ ngữ nhằm làm rõ và tạo thuận lợi trong áp dụng quy định tại Chương II dự thảo Nghị định; sửa đổi các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả để phù hợp với nội dung sửa đổi tại Chương II Nghị định quy định chi tiết chế tài xử phạt đối với từng hành vi vi phạm, điều chỉnh phù hợp với Luật Chứng khoán 2019, trên cơ sở tiếp thu giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức.
Về các hành vi và chế tài xử phạt, Chương II dự thảo Nghị định sửa đổi các hành vi vi phạm hành chính để phù hợp với Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 đang được xây dựng và chuẩn bị ban hành, bổ sung các hành vi vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiểu doanh nghiệp, bổ sung hành vi vi phạm Luật Phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực chứng khoán, cụ thể:
Dự thảo Nghị định sửa đổi các hành vi liên quan đến hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán theo Luật Chứng khoán 2019 được hướng dẫn tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán 2019; bổ sung hành vi và chế tài đối với vi phạm thực hiện chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ trái pháp luật của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hành vi làm giả giấy tờ trong phát hành thêm; tăng mức phạt tiền đối với một số vi phạm về chào bán, phát hành; bổ sung hành vi, chế tài xử phạtcác vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ; bỏ một số hành vi không còn quy định tại Luật Chứng khoán 2019 như hành vi không đưa chứng khoán đã chào bán ra công chúng vào giao dịch tập trung trong thời hạn 01 năm... (Luật Chứng khoán 2019 quy định gắn chào bán ra công chúng với đăng ký giao dịch/niêm yết).
Đối với nghĩa vụ công ty đại chúng và quản trị công ty đại chúng, dự thảo Nghị định chia nhỏ các khung phạt tiền đối với hành vi chậm đăng ký công ty đại chúng theo thời gian chậm để xử lý phù hợp hơn với thực tiễn; bổ sung hành vi không nộp hồ sơ hủy tư cách đại chúng, vi phạm về thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng.
Trên cơ sở quy định về các nghĩa vụ công ty đại chúng trong lĩnh vực chứng khoán và thực tiễn thực thi quy định pháp luật chứng khoán, hoạt động của các công ty đại chúng, dự thảo Nghị định sửa đổi các hành vi vi phạm quy định về quản trị công ty đại chúng theo hướng quy định chi tiết các hành vi vi phạm, làm rõ các hành vi có thể ảnh hưởng đến quyền của cổ đông như tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), giao dịch giữa công ty với bên liên quan của cán bộ quản lý; quy định các hành vi làm rõ trách nhiệm của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), ban điều hành doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp, bổ sung hành vi của thành viên Kiểm soát trong sử dụng thông tin từ doanh nghiệp.
Đối với hoạt động mua lại cổ phiếu, chào mua công khai, dự thảo Nghị định sửa đổi, bỏ các hành vi liên quan đến cổ phiếu quỹ do theo Luật Chứng khoán 2019 các cổ phiếu được tổ chức phát hành mua lại phải hủy và làm thủ tục giảm vốn; bổ sung hành vi, chế tài và biện pháp khắc phục hậu quả liên quan đến hoạt động mua lại cổ phiếu của tổ chức phát hành; sửa đổi hành vi và tăng mức phạt tiền đối với một số vi phạm quy định về chào mua công khai.
Dự thảo Nghị định tăng khung phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán; quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán (03 tỷ đồng đối với tổ chức) đối với hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định pháp luật, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ trang thông tin điện tử, phần mềm, hệ thống giao dịch và thiết bị sử dụng để thực hiện vi phạm; bổ sung hành vi không thực hiện các biện pháp cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán.
Đối với hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán và người hành nghề, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, người hành nghề theo Luật Chứng khoán 2019 như bổ sung hành vi vi phạm nghĩa vụ về giám sát giao dịch chứng khoán; sửa đổi hành vi đầu tư trái pháp luật; tách riêng nhóm hành vi thực hiện các hoạt động khi chưa được UBCKNN chấp thuận; bổ sung hành vi không xây dựng hệ thống để đảm bảo hoạt động an toàn, liên tục...; tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi như hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ chứng khoán trái phép, lạm dụng tài sản của khách hàng; điều chỉnh các hình thức xử phạt bổ sung phù hợp với trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng.
Dự thảo Nghị định điều chỉnh hành vi và khung phạt đối với các vi phạm quy định về nghĩa vụ công bố thông tin khi giao dịch của cổ đông lớn, người nội bộ và người có liên quan, tương ứng với mức giá trị giao dịch tối thiểu làm phát sinh nghĩa vụ công bố thông tin; quy định các khung phạt có mức phạt tiền tăng dần theo giá trị giao dịch vi phạm, đưa ra hình thức xử phạt bổ sung đối với vi phạm có giá trị lớn.
Đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, giao dịch sử dụng thông tin nội bộ theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019, dự thảo Nghị định quy định mức phạt tiền bằng 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức (05 lần đối với cá nhân) nhưng không thấp hơn 03 tỷ đồng đối với tổ chức, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 1-2 năm; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định bổ sung hành vi và chế tài xử phạt vi phạm cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán.
Dự thảo Nghị định giữ nguyên các hành vi và nâng khung phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm quy định về kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng; bổ sung hành vi bị cấm quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền (tài khoản vô danh, sử dụng tên giả).
Dự thảo Nghị định bổ sung hành vi và chế tài xử phạt đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán về một số hành vi vi phạm Luật Phòng, chống khủng bố trên cơ sở nhằm thực hiện Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 ban hành theo Quyết định số 474/QĐ-TTg ngày 30/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong xử lý vi phạm quy định về thanh tra, kiểm tra, dự thảo Nghị định bổ sung thêm hành vi để đảm bảo thực thi các thẩm quyền thu thập thông tin phục vụ thanh kiểm tra và xử lý vi phạm của UBCKNN tại Luật Chứng khoán 2019 như hành vi không giải trình, không đến làm việc theo yêu cầu của người có thẩm quyền; sửa đổi hành vi trong hoạt động thanh tra, kiểm tra phù hợp hơn với pháp luật thanh tra.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định mở rộng đối tượng có quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm các công chức ngành tài chính đang thi hành nhiệm vụ, công vụ để phù hợp với việc bổ sung quy định xử phạt đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019;
2. Chính phủ, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;
3. Chính phủ, Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.