Điểm mới về hỗ trợ kinh phí cho phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại
Từ ngày 26/6/2016 tới đây, hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu sẽ được bổ sung thêm kinh phí, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại đang có xu hướng ngày càng nóng và nhiều thách thức hơn.
Bổ sung thêm các nguồn kinh phí hỗ trợ
Trong quy định mới đây vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, từ ngày 26/6/2016, sẽ hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Theo đó, nguồn kinh phí hỗ trợ gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước và kinh phí hỗ trợ tự nguyện từ các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, các dự án, chương trình hỗ trợ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp trực tiếp cho cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Như vậy, ngoài kinh phí quản lý hành chính được ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (bao gồm quỹ tiền lương, chi hoạt động thường xuyên, chi nghiệp vụ đặc thù, chi mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc) thì các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn được ngân sách nhà nước bố trí thêm kinh phí hỗ trợ hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Khoản hỗ trợ mới được phép chi vào những nội dung gì?
Cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để chi cho các nội dung chi thuộc dự toán chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng kinh phí theo dự toán chi thường xuyên đã sử dụng hết (gồm: Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; chi công tác phí; chi mua sắm trang thiết bị...).
Kinh phí hỗ trợ cũng được sử dụng để chi các khoản chi đặc thù chưa có trong dự toán chi thường xuyên. Cụ thể, chi bồi dưỡng trong thời gian điều trị cho cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ bị tai nạn, bị thương và gia đình cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ bị chết trong quá trình điều tra bắt giữ; chi tiền viện phí trong trường hợp không thuộc hoặc vượt phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế hoặc được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán một phần. Mức hỗ trợ cụ thể do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả quyết định nhưng tối đa không vượt quá 10 tháng mức tiền lương cơ sở.
Chi bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia điều tra, mật phục, truy bắt, kiểm tra, kiểm soát đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian trực tiếp tham gia trên địa bàn xảy ra vụ việc. Mức bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày.
Sẽ được chi tiền để mua tin
Quyết định mới hướng dẫn cụ thể một số khoản chi đặc thù trong quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Chẳng hạn, về chi mua tin (nếu có), mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% của số tiền xử phạt và tiền bán tài sản tịch thu (nếu có) và tối đa không quá 100 triệu đồng đối với các vụ việc mà số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền bán tài sản tịch thu có giá trị dưới 5 tỷ đồng.
Mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% của số tiền xử phạt và tiền bán tài sản tịch thu (nếu có) và tối đa không quá 200 triệu đồng đối với các vụ việc mà số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền bán tài sản tịch thu có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên.
Trường hợp tài sản bị tịch thu được xử lý theo hình thức tiêu hủy hoặc chuyển giao thì chi phí mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% của số tiền xử phạt và giá trị tài sản tịch thu và tối đa không quá 100 triệu đồng.
Cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã thực hiện thanh toán chi phí mua tin từ nguồn kinh phí thanh toán các chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định thì không thực hiện thanh toán chi phí mua tin từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.
Trước đó, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong đó, về quan hệ phối hợp hoạt động, quan hệ phối hợp hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tuân thủ đúng pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau, tránh sơ hở, chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Quan hệ phối hợp hoạt động được thực hiện theo nguyên tắc kịp thời, hiệu quả; quá trình phối hợp không gây khó khăn, phiền hà hoặc kéo dài thời gian trong kiểm tra, xử lý hàng hoá buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; việc trao đổi thông tin tội phạm, điều tra, thực hiện các biện pháp công tác nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải bảo đảm quy định về chế độ bảo mật.
Theo thông tin sơ bộ cập nhật của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong quý I/2016 vừa qua, các lực lượng chức năng các cấp đã phát hiện, xử lý 52.543 vụ việc vi phạm (tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2015) liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách khoảng 4.173 tỷ đồng (tăng 44,88% so với cùng kỳ năm 2015), khởi tố 305 vụ đối với 401 đối tượng.
Chi khen thưởng theo vụ việc cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong quá trình tham gia điều tra, bắt giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Việc quyết định khen thưởng và mức tiền thưởng do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả quyết định nhưng không vượt quá 3 triệu đồng/cá nhân/vụ việc, 15 triệu đồng/tập thể/vụ việc.