Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2022:
Điểm sáng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn
Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết, công tác khuyến công thời gian qua là một trong những điểm sáng, đóng góp đáng kể vào thành tích chung của toàn ngành công thương, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Kinh phí toàn khu vực đạt 91,7% kế hoạch năm
Kết quả này là sự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của cả tổ chức hệ thống khuyến công mà trong đó các Sở Công thương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công thương, UBND cấp huyện đóng vai trò rất quan trọng, Cục trưởng Ngô Quang Trung nhấn mạnh trong Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVI năm 2022.
Theo báo cáo, kinh phí khuyến công của toàn khu vực phía Bắc là 130,4 tỷ đồng, đạt 91,7% so với kế hoạch năm. Một số nội dung hoàn thành đạt tỷ lệ cao như: hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...
Bước sang năm 2022, tình hình thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, thuận lợi đan xen khó khăn. Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công thương đã ban hành nhiều văn bản nhằm khôi phục và phát triển kinh tế trong bối cảnh hậu COVID-19. Đây là yếu tố quan trọng để hoạt động khuyến công trên cả nước trong đó có khu vực phía Bắc có cơ sở hỗ trợ tích cực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tận dụng cơ hội nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, công tác khuyến công vẫn còn một số hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, đòi hỏi phải nỗ lực tìm giải pháp phù hợp trong triển khai thực hiện.
Thực tế, khu vực phía Bắc có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước, có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp. Tuy vậy, công tác xây dựng kế hoạch, chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, ít đề án quy mô và có tính lan tỏa. Các Sở Công thương chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm, hỗ trợ sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương.
Việc triển khai đề án khuyến công ở một số địa phương chưa thực sự bám sát cơ sở, dẫn đến có đề án phải ngừng thực hiện. 9 tháng năm 2022, tỷ lệ giải ngân các đề án còn thấp, một mặt do ngân sách Trung ương và địa phương phân bổ chậm. Mặt khác, năng lực triển khai của các đơn vị cũng phần nào ảnh hưởng tới tính kịp thời của chính sách Nhà nước hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh hậu COVID-19.
Cơ sở vật chất chưa đồng bộ; hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp của một số địa phương tuy đã được quan tâm đẩy mạnh song hiệu quả chưa cao. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí tăng cường ngân sách cho hoạt động khuyến công.
Đẩy mạnh các đề án quy mô, chất lượng
Để hoàn thành kế hoạch khuyến công của từng địa phương và toàn khu vực trong những tháng cuối năm 2022, Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung nhấn mạnh, thời gian tới cần tập trung một số công việc.
Đầu tiên là đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chính sách về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, lưu ý Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó công tác khuyến công lần đầu tiên được cụ thể hóa nội dung về đổi mới theo hướng kết hợp giữa Nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số.
Cùng với đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương. Sở Công thương xác định rõ vai trò, chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương; phối hợp chặt chẽ các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công. Kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến công ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện. Xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công.
Tập trung theo dõi, đôn đốc thực hiện các đề án khuyến công đúng tiến độ, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án.
Thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2023, hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm, đề án hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm tiêu biểu đoạt giải cấp khu vực, cấp quốc gia, bảo đảm có sự liên kết, có tác động lan tỏa, tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương.
Thúc đẩy liên kết tỉnh, liên kết vùng thông qua các hoạt động khuyến công, tăng cường trao đổi, chia sẻ, đồng thuận về quan điểm dựa trên phân tích các lợi thế so sánh và những yếu tố cần thiết.
Cuối cùng, đẩy mạnh thông tin truyền thông về cơ chế, chính sách và những điển hình trong các hoạt động khuyến công. Tìm và giải quyết điểm nghẽn để đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, tạo sự chủ động linh hoạt về tổ chức thực hiện.