Điểm tin kinh tế - tài chính quốc tế nổi bật tuần từ 14 - 18/5/2018
Nhà đầu tư đã chọn vàng như một nơi trú ẩn an toàn khi chỉ trong tháng 4, đã có khoảng 3,1 tỷ USD được rót vào các quỹ chuyên đầu tư vào vàng; Giá dầu thô đã tăng 20%, tiến sát mốc 80 USD/thùng; Fed có khả năng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ 2 vào tháng 6/2018... là tin tức kinh tế - tài chính quốc tế nổi bật trong tuần vừa qua.
Nhà đầu tư đã chọn vàng như một nơi trú ẩn an toàn
Theo Hội đồng vàng thế giới, các nhà đầu tư đã rót khoảng 3,1 tỷ USD vào các quỹ tương hỗ (ETF) chuyên đầu tư vàng trong tháng 4, cao nhất kể từ tháng 02/2017. Nhiều nhà đầu tư đã chọn vàng như một nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động chính trị và tiềm ẩn chiến tranh thương mại. Một số nhà quản lý tài sản cũng đang sử dụng vàng để ứng phó với rủi ro lạm phát tăng cao. Nhiều chuyên gia cũng dự đoán dòng tiền vào các quỹ ETF vàng sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu vàng miếng tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc đã phục hồi từ đầu năm 2018.
Giá dầu thô đã tăng 20%, tiến sát mốc 80 USD/thùng
Theo hãng tin Reuters, từ tháng 01/2018 đến nay, giá dầu thô đã tăng 20%, tiến sát mốc 80 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2014, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu tại châu Á cao kỷ lục. Châu Á có thể phải tiêu tốn 1 nghìn tỷ USD để nhập khẩu dầu trong năm 2018, tăng gấp đôi so với các năm 2015 - 2016 khi giá dầu giảm sâu. Cùng với đó, đồng USD tăng giá, làm cho chi phí nhập khẩu xăng dầu tiếp tục tăng lên, tác động tiêu cực tới nhiều nước ở châu Á - khu vực có mức độ phụ thuộc cao vào nguồn năng lượng nhập khẩu.
Fed có khả năng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ 2 vào tháng 6/2018
Theo công cụ theo dõi FedWatch của Sàn giao dịch hàng hóa Chicago, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) có khả năng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ 2 vào tháng 6/2018, lần thứ ba vào tháng 9/2018, mặc dù áp lực lạm phát của Hoa Kỳ là khá lớn. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2018, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) của Hoa Kỳ là 1,9% và chỉ số đo lường lạm phát của Fed là 1,8%, đều thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 2% của Fed.
Từ nay đến năm 2030, có 24 triệu việc làm sẽ được tạo ra trên toàn thế giới
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, từ nay đến năm 2030, có 24 triệu việc làm sẽ được tạo ra trên toàn thế giới nếu chính phủ các nước thực hiện chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế thân thiện hơn với môi trường. Khu vực châu Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu được dự báo tăng số lượng việc làm lần lượt lên 3,14 và 2 triệu việc làm, nhờ các biện pháp cải tiến trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, nhiệt độ tăng cao trên toàn cầu dự kiến sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, làm giảm 2% số giờ làm việc từ nay đến năm 2030. Trung Đông và châu Phi sẽ mất đi một lượng việc làm lần lượt khoảng 0,48% và 0,04%.