Điểm tin tài chính - kinh tế nổi bật trong nước tuần 14/8-18/8/2017

PV. (Tổng hợp)

Thí điểm thực hiện trao đổi thông tin chương trình nộp thuế điện tử qua ngân hàng; Thoái vốn được 3.693 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm; Phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030... là những tin tài chính - kinh tế nổi bật trong tuần vừa qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thí điểm thực hiện trao đổi thông tin chương trình nộp thuế điện tử qua ngân hàng, thông quan 24/7 

Theo Tổng cục Hải quan ngày 16/8, từ tháng 11/2017, cơ quan hải quan sẽ thực hiện thí điểm trao đổi thông tin và triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc chương trình nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7.

Theo đó, người nộp thuế được lập bảng kê nộp thuế trực tiếp trên Cổng thanh toán điện tử hải quan mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện có kết nối với internet và được ngân hàng xác nhận kết quả giao dịch nộp thuế thành công ngay sau khi nhận được yêu cầu chuyển tiền nộp thuế và thực hiện thông quan ngay hàng hóa. Hình thức nộp thuế mới sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nộp tiền thuế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, người nộp thuế.
Thực hiện thoái vốn được 3.693 tỷ đồng, thu về 15.770 tỷ đồng
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng/2017, các đơn vị đã thoái vốn được 3.693 tỷ đồng, thu về 15.770 tỷ đồng. Trong đó thoái vốn tại 5 lĩnh vực ưu tiên được 103 tỷ đồng, thu về 103 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên) được 2.195 tỷ đồng, thu về 3.428 tỷ đồng.
Có 26 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 26 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 71.880 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 18.368 tỷ đồng. Vốn điều lệ của 26 đơn vị là 22.633 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.063 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 6.528 tỷ đồng, bán cho người lao động 156 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 16 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.869 tỷ đồng.
Nhà đầu tư ngoại mua ròng với trên 1.512,24 tỷ đồng
Trên thị trường chứng khoán tuần vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 34.631.817 đơn vị, trị giá 1.512,24 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là DXG với khối lượng 3,47 triệu đơn vị, trị giá 66,92 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là MSN với khối lượng 1,64 triệu cổ phiếu, trị giá 64,7 tỷ đồng. Cụ thể:

HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 33,33 triệu đơn vị, trị giá 1.481,52 tỷ đồng, tăng 328,76% về lượng và 351,67% về giá trị so với tuần trước.

HNX: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 3 ngày bán ròng và 2 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 750.147 đơn vị, trị giá 4,37 tỷ đồng, giảm 78,27% về lượng và 88,42% về giá trị so với tuần trước.

UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 ngày liên tiếp tổng cộng 551.670 đơn vị, trị giá 26,35 tỷ đồng, giảm 49,76% về lượng và 50,35% về giá trị so với tuần trước đó.
Phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020
Ngày 15/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030, trong đó dư nợ thị trường TPCP, TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đạt khoảng 38% GDP vào năm 2020 và khoảng 45% GDP vào năm 2030, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030.
Phấn đấu kỳ hạn bình quân danh mục phát hành TPCP trong nước giai đoạn 2017 - 2020 đạt 6 - 7 năm; giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7 - 8 năm. Tăng khối lượng giao dịch TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương bình quân phiên lên mức 1% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2020 và 2% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2030; tăng tỷ trọng trái phiếu chính phủ do các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ lên mức 50% năm 2020 và mức 60% vào năm 2030.