Điều chỉnh lợi nhuận: Góc nhìn tổng quan từ một số nghiên cứu
Độ tin cậy của lợi nhuận là một trong các chỉ tiêu đại diện cho chất lượng báo cáo tài chính dựa trên cơ sở kế toán. Nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận đóng vai trò quan trọng đối với người sử dụng thông tin và thu hút được sự quan tâm chú ý trong nghiên cứu học thuật.
Bài viết trình bày một số vấn đề liên quan đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận trên cơ sở tổng quan kết quả một số nghiên cứu thực nghiệm về điều chỉnh lợi nhuận tại các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước nhằm cho thấy rõ hơn về vai trò quan trọng này.
Hepworth (1953) chỉ ra rằng, “điều hòa” lợi nhuận là một hành động hợp lý và khôn ngoan mà theo đó các nhà quản lý “làm mượt” thu nhập của họ bằng cách sử dụng các phương cách đặc biệt (Dr. Parviz Saeidi, 2012).
Báo cáo tài chính có giá trị lớn đối với tất cả người sử dụng trong việc ra quyết định và việc “làm mượt” lợi nhuận sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán trình bày trên báo cáo.
Do đó, nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận là quan trọng đối với người sử dụng thông tin, thu hút được sự quan tâm chú ý trong nghiên cứu học thuật ở trong và ngoài nước.
Điều chỉnh lợi nhuận là gì?
Điều chỉnh lợi nhuận theo Healy và Wahlen (1999) chỉ xảy ra khi nhà quản lý sử dụng xét đoán trong khi lập báo cáo tài chính và trong cấu trúc giao dịch để thay đổi báo cáo tài chính khiến các cổ đông hiểu sai về hiệu quả kinh tế cơ bản của công ty, hoặc làm ảnh hưởng tới kết quả của các giao dịch hợp đồng mà phụ thuộc vào số liệu kế toán được báo cáo.
Theo Degeorge et al.1999, mục tiêu chính của các công ty cổ phần là tối đa hoá giá trị của cổ đông bằng cách khai thác tài sản được đầu tư bằng vốn cổ phần và nợ phải trả. Để huy động vốn, các nhà đầu tư cần được khuyến khích thực hiện đầu tư và điều này chỉ xảy ra nếu nhà đầu tư kỳ vọng tích cực về hiệu quả hoạt động trong tương lai của công ty.
Bởi vậy, vì lợi ích của công ty, các công ty thường điều chỉnh báo cáo với thu nhập tích cực, tăng trưởng lợi nhuận tích cực và thu về sự phân tích dự báo tích cực từ người đọc báo cáo để có được vốn (Carmen Joosten, 2012).
Cách thức thực hiện điều chỉnh lợi nhuận
Theo Gordon (1964), quản trị lợi nhuận dựa trên cơ sở dồn tích (AEM) là việc điều chỉnh lợi nhuận thông qua sự linh hoạt trong việc lựa chọn các chính sách và ước tính kế toán được chấp nhận bởi các quy định về kế toán (Nguyễn Thị Phượng Loan, Nguyễn Minh Thao, 2016).
Nghiên cứu của Healy và Wahlen (1998) cũng ghi nhận, mặc dù các khoản dồn tích phản ánh hoạt động thực tế của một công ty nhưng chúng có thể được sử dụng để quản trị lợi nhuận.
Thu nhập được báo cáo có thể bị thao túng khi các nhà quản lý thay đổi các nghiệp vụ đòi hỏi sự thận trọng trong các tiêu chuẩn kế toán. Ví dụ các khoản nợ xấu, hư hỏng tài sản và giá trị thanh lý của tài sản dài hạn. Nếu những ước tính này sai lệch sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế thực sự, AEM được áp dụng (Carmen Joosten, 2012).
Năm 1989, cùng với cách thức điều chỉnh lợi nhuận AEM, Schipper đã đề cập “mở rộng định nghĩa quản trị lợi nhuận cần phải bao gồm quản trị lợi nhuận thực tế (REM), đạt được thông qua các quyết định về thời gian của các hoạt động đầu tư và tài chính để thay đổi lợi nhuận được báo cáo hoặc các chỉ tiêu liên quan” (Nguyễn Thị Phượng Loan, Nguyễn Minh Thao, 2016).
Để có được mức thu nhập mong muốn, các công ty có thể chọn để quản trị lợi nhuận thông qua thay đổi các hoạt động kinh doanh bình thường, mặc dù điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trong tương lai của công ty một cách tiêu cực (Rowchowdhury 2006).
Nguyễn Thị Phượng Loan, Nguyễn Minh Thao (2016) thực hiện nghiên cứu nhằm nhận diện ba việc quản trị lợi nhuận thực tế phổ biến sau: (1) Thúc đẩy doanh thu thông qua chính sách chiết khấu và nới lỏng thanh toán; (2) Cắt giảm chi phí tùy ý và (3) Tiến hành sản xuất thái quá.
Trong nghiên cứu này, các tác giả đã sử dụng dữ liệu của 610 công ty niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ 2008 – 2015, bằng mô hình được đề xuất bởi Dehow, Kothari và Watts (1998), áp dụng bởi Roychowdhury (2006). Kết quả cho thấy, các nhà quản lý có áp dụng việc quản trị lợi nhuận thực tế (REM) để tránh lỗ.
Nhiều nghiên cứu như Zang (2012) chỉ ra tính đánh đổi giữa AEM và REM để tối ưu hóa mục đích của nhà quản lý. Theo Zang (2012) 2 chiến lược AEM và REM có thể thay thế lẫn nhau. Nếu chi phí áp dụng REM cao hơn chi phí áp dụng AEM, AEM được áp dụng đến một mức độ cao hơn và ngược lại.
Các chi phí được xác định để hạn chế REM là ngành công nghiệp cạnh tranh, thuế suất cận biên, sở hữu thể chế và khủng hoảng tài chính. Các chi phí hạn chế việc sử dụng AEM là tính linh hoạt trong kế toán, giám sát của kiểm toán viên và kiểm soát của nhà quản lý.
Động cơ của hành vi điều chỉnh lợi nhuận
Nhà quản lý có động cơ điều chỉnh lợi nhuận khi lợi nhuận thực (lợi nhuận không điều chỉnh) khác với mục tiêu của nhà quản lý. Lợi nhuận thực có thể quá cao hoặc quá thấp, còn mục tiêu của nhà quản lý thì được xác định trên cơ sở kỳ vọng của các cổ động hoặc yêu cầu đòi hỏi của hợp đồng.
Nhà quản lý có thể thu về phản ứng ít tiêu cực hơn từ những người sử dụng thông tin khi thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận để làm cho lợi nhuận được báo cáo “tốt hơn” so với lợi nhuận trước điều chỉnh.
Một số động cơ của hành vi điều chỉnh lợi nhuận phổ biến hiện nay như: Về thị trường vốn, việc sử dụng rộng rãi thông tin kế toán bởi các nhà đầu tư và các nhà phân tích tài chính có thể giúp định giá cổ phiếu và điều này thúc đẩy nhà quản lý điều chỉnh lợi nhuận để tác động đến giá cổ phiếu.
Lợi nhuận ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu và ảnh hưởng gián tiếp tới thị trường vốn thông qua việc chỉ tiêu lợi nhuận được sử dụng để dự báo dòng tiền trong tương lai.
Về hợp đồng, các hợp đồng có thể sử dụng lợi nhuận để xác định mức tiền thưởng hoặc mức phạt vi phạm điều khoản và điều này có thể thúc đẩy nhà quản lý điều chỉnh lợi nhuận nhằm mục tiêu tăng tiền thưởng.
Về động cơ cá nhân, nhà quản lý mới được bổ nhiệm có thể điều chỉnh lợi nhuận giảm trong năm thay đổi nhân sự và điều chỉnh lợi nhuận tăng lên trong năm tiếp theo… Về chi phí chính trị, các công ty có thể điều chỉnh số liệu lợi nhuận được báo cáo nhằm tránh sự can thiệp của chính phủ hoặc hưởng ưu đãi thuế, bởi số liệu kế toán là cơ sở để tính thuế…
Tại Việt Nam, Nguyễn Thị Minh Trang (2012) vận dụng mô hình điều chỉnh lợi nhuận của DeAngelo (1986) và Friedlan (1994) thu thập số liệu từ báo cáo tài chính của 20 doanh nghiệp (DN).
Các DN này được lựa chọn ngẫu nhiên tương ứng 4 loại hình DN khác nhau (DNNN, DN tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn) để nhận dạng việc điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản trị, qua đó cho thấy, động cơ điều chỉnh lợi nhuận của từng loại hình DN là khác nhau.
Thông thường, đối với các công ty cổ phần, động cơ điều chỉnh lợi nhuận nhằm tiết kiệm chi phí thuế thu nhập DN không phải lúc nào cũng được ưu tiên lựa chọn, mà có thể động cơ điều chỉnh tăng lợi nhuận nhằm thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài.
Các loại hình DN còn lại vì không bán chứng khoán trên thị trường nên ít quan tâm đến việc điều chỉnh tăng lợi nhuận để thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài và thường sẽ ưu tiên lựa chọn điều chỉnh giảm lợi nhuận nhằm tiết kiệm chi phí thuế thu nhập DN.
Những rủi ro có thể xảy ra
khi có hành vi điều chỉnh lợi nhuận
Theo WangJianHui (2009), quản trị lợi nhuận được sử dụng rộng rãi trong các DN trong và ngoài nước. Nếu trường hợp này xảy ra, về lâu dài sẽ làm giảm chất lượng và mức độ tin cậy của thông tin báo cáo tài chính. Thông tin kế toán về lợi nhuận là thông tin quan trọng mà các nhà đầu tư, các chủ nợ… sử dụng để đánh giá ưu khuyết điểm của DN.
Việc điều chỉnh lợi nhuận quá mức sẽ làm cho thông tin kế toán bị mất tính công bằng, tin cậy và so sánh được, dẫn tới gây hiểu nhầm cho người sử dụng thông tin. Mặt khác, quản trị lợi nhuận chỉ nhằm đạt được mức lợi nhuận tối ưu tức thời trong ngắn hạn mà không gắn liền với sự hoàn thiện cải cách sản phẩm, tổ chức hoạt động của DN, có thể sẽ mang lại rủi ro cho sự phát triển của DN trong tương lai.
Chưa kể, khi đối thủ cạnh tranh quản trị lợi nhuận quá mức, các DN khác cũng khó duy trì hành vi tốt, cuối cùng sẽ dẫn tới cạnh tranh bất thường về quản trị lợi nhuận, thông tin kế toán bị mất tính so sánh, người sử dụng thông tin khi đó sẽ khó có thể phân biệt sự khác nhau của mỗi DN.
Võ Văn Nhị và Hoàng Cẩm Trang (2013) xem xét mối quan hệ giữa việc điều chỉnh lợi nhuận và nguy cơ phá sản của 85 công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) niên độ kế toán 2011. Nghiên cứu sử dụng mô hình của Leuz & cộng sự (2003) để xác định việc điều chỉnh lợi nhuận và sử dụng chỉ số Z của Altman (2000) để xác định nguy cơ phá sản công ty.
Kết quả cho thấy, mức độ điều chỉnh lợi nhuận tương đồng với nguy cơ phá sản: Những công ty nằm trong vùng an toàn, chưa có nguy cơ phá sản có mức độ điều chỉnh lợi nhuận trung bình thấp nhất; Những công ty nằm trong vùng cảnh báo, có thể có nguy cơ phá sản có mức độ điều chỉnh lợi nhuận trung bình cao hơn; Những công ty nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ phá sản cao có mức độ điều chỉnh lợi nhuận trung bình cao nhất.
Khuyến nghị giải pháp
Một trong các biện pháp để kiểm soát điều chỉnh lợi nhuận đó là thiết lập nghiêm nghặt hơn chuẩn mực kế toán. Chuẩn mực kế toán nên được sửa đổi hoàn thiện để tối thiểu hóa những sơ hở có thể thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận.
Tuy nhiên, trong trường hợp chuẩn mực kế toán không loại bỏ hoàn toàn được quản trị lợi nhuận thì kiểm toán viên “đương đầu” với “nỗ lực” điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản lý. Tăng cường chất lượng kiểm toán sẽ góp phần tăng chất lượng thông tin lợi nhuận được báo cáo.
Về nghiên cứu khoa học, để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự điều chỉnh lợi nhuận và ảnh hưởng như thế nào, đòi hỏi phải thực hiện các nghiên cứu nhằm xác định mối quan hệ của các nhân tố tới sự điều chỉnh lợi nhuận của các DN Việt Nam hiện nay.
Một số các tác giả như Nguyễn Hà Linh (2017), Nguyễn Thị Phương Hồng (2016)… đã thực hiện nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc điều chỉnh lợi nhuận tại các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam như cấu trúc sở hữu, quy mô công ty, kiểm toán độc lập, tính độc lập của hội đồng quản trị, hệ số nợ, tình trạng niêm yết, kế hoạch thưởng… Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của các nghiên cứu trên với độ tin cậy cao một mặt sẽ tăng cường nhận thức của những người sử dụng thông tin kế toán về điều chỉnh lợi nhuận, mặt khác là cơ sở để đưa ra những khuyến nghị ở tầm vi mô và vĩ mô nhằm kiểm soát điều chỉnh lợi nhuận nói riêng và tăng cường chất lượng thông tin kế toán nói chung.
Bởi vậy, những nghiên cứu về tác động của các nhân tố tới sự điều chỉnh lợi nhuận của DN đã, đang và cần tăng cường thực hiện làm cơ sở tham khảo và vận dụng giải quyết vấn đề quản lý thực tiễn.
Tài liệu tham khảo:
1. Võ Văn Nhị, Hoàng Cẩm Trang (2013), “Việc điều chỉnh lợi nhuận và nguy cơ phá sản của các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á - Vol. 276, No. (2013);
2. Nguyễn Thị Phương Loan, Nguyễn Minh Thao (2016), “Nhận diện việc quản trị lợi nhuận thực tế của các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, Tạp chí Phát triển Khoa học và công nghệ, Tập 19, Số Q4 – 2016;
3. Nguyễn Thị Phương Hồng (2016), “Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính của công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán – bằng chứng thực nghiệm tại Việt Nam”, Luận án tiến sỹ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
4. Dr. Parviz Saeidi (2012), “The Relationship between Income Smoothing and Income Tax and Profitability Ratios in Iran Stock Market”, Asian Journal of Finance & Accounting ISSN 1946-052X 2012, Vol. 4, No. 1;
5. WangJianHui (2009), “The advantages and disadvantages of the use of earnings management analysis”, From: www.yourpaper.net, Posted: 2009-10-06 21:50:05.