Điều chỉnh mặt hàng phân bón chịu thuế 5% là cần thiết

Huyền Châm

Theo chuyên gia, từ bài học quốc tế lẫn trong thực tiễn sản xuất cũng như nhìn về tương lai là rất rõ ràng, điều chỉnh thuế Giá trị gia tăng (GTGT) từ nhóm mặt hàng không chịu thuế sang chịu thuế 5% với mặt hàng phân bón là cần thiết.

Thiệt đơn thiệt kép

Dự án Luật thuế GTGT sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2024).

Một nội dung được quan tâm đặc biệt trong Dự thảo Luật là chuyển mặt hàng phân bón và các loại máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sang áp dụng 5% thuế GTGT, thay vì thuộc nhóm đối tượng không chịu thuế như hiện nay.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhìn nhận, 10 năm không được áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón và các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp "vừa thiệt đơn, vừa thiệt kép" và người nông dân phải chịu thiệt thòi.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: HC
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: HC

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13 ban hành ngày 24/11/2014), mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo đó, các doanh nghiệp phân bón không được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào là dịch vụ, thiết bị máy móc đầu tư cho sản xuất phân bón. Chính vì không được khấu trừ, các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm.

“Hiểu đơn giản, điều này tác động đẩy giá thành phân bón. Như vậy, người nông dân sử dụng vật tư phân bón phải chịu, vì vật tư phân bón chiếm 40-60% giá thành sản phẩm nông nghiệp. Phân bón lại là sản phẩm đầu vào không thể thiếu với người nông dân. Cuối cùng người nông dân phải chịu. Nếu có khấu trừ thuế, giá thành sản phẩm phân bón sẽ giảm xuống”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam phân tích.

Hơn nữa, cũng theo vị này, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng, là bất lợi trong cạnh tranh đối với sản phẩm phân bón nhập. Mỗi năm, ngành Nông nghiệp tiêu thụ khoảng 12-14 triệu tấn phân bón, trong đó sản phẩm phân bón sản xuất trong nước đáp ứng khoảng hơn 8 triệu tấn, còn lại phải nhập vì có những sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được.

“Doanh nghiệp nhập phân bón bị cạnh tranh bất bình đẳng với nhà nhập khẩu vì họ nhập vào bên nước chịu thuế GTGT được khấu trừ nên nhập với giá thấp hơn giá thành trong nước. Thiệt đơn thiệt kép ở chỗ đó. Chính bất cập đó, 10 năm rồi, ngành Nông nghiệp, nhà sản xuất phân bón, người nông dân phải gánh chịu”, ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết.

Chuyên gia ngành Nông nghiệp đánh giá, nhìn vào tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong GDP cả nước ngày càng thấp, thể hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. GDP nông nghiệp thấp nhưng vai trò của Ngành này lại rất cao, là bệ đỡ cho nền kinh tế. Bất cập của Luật số 71/2014/QH13 đối với nền kinh tế nói chung, với các doanh nghiệp, với người nông dân là rõ ràng tác động hệ lụy tới phát triển đồng bộ nền kinh tế, trong đó dó nền nông nghiệp, người nông dân.

Điều chỉnh là cần thiết

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, thế giới coi phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, là một mặt hàng cần ưu tiên. Việt Nam cũng vậy nhưng ứng xử của chúng ta chưa được như thế giới. 60% sản lượng phân bón nhập từ Nga, Trung Quốc. Nga có thuế sắc 20% với mặt hàng này, Trung Quốc là 11% và dự kiến giảm xuống 9%. Các nước xung quanh Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Thái Lan đều áp phân bón chịu thuế GTGT.

“Tư duy của các quốc gia coi phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, cần phát triển bền vững. Việt Nam vốn coi trọng nông nghiệp, những chính sách cụ thể phải nghiên cứu, học tập khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Đóng góp thu về ngoại tệ cho Đất nước phải kể đến ngành Nông nghiệp”, ông Nguyễn Trí Ngọc nêu.

Chuyên gia này cho rằng, Việt Nam chúng ta coi trọng nông nghiệp, có rất nhiều nghị quyết, nhiều chủ trương, nhưng những chính sách cụ thể thì chúng ta phải học tập, nghiên cứu vì hội nhập ngày càng sâu.

"Một năm Việt Nam xuất khẩu xấp xỉ 55 tỷ USD, mà là xuất siêu. Một ngành mà đóng góp để thu về ngoại tệ cho Đất nước là ngành Nông nghiệp, mà đấy là trong bối cảnh hàng năm thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh", ông Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, phải thừa nhận nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Nên chăng  trụ đỡ này cần được hỗ trợ một cách toàn diện, đó là tầm vĩ mô. Hàng triệu người nông dân cần được quan tâm để họ đầu tư, phát triển nông nghiệp bền vững theo chủ trương hiện nay là phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững, sinh thái. Họ cần được hỗ trợ một cách hiệu quả nhất là chính sách thuế, đó là tác động đến hàng hóa đầu vào, vốn chiếm tới 40-60% giá thành sản phẩm nông nghiệp.

“Từ bài học quốc tế lẫn trong thực tiễn sản xuất cũng như nhìn về tương lai là rất rõ ràng, điều chỉnh GTGT từ nhóm mặt hàng không chịu thuế sang chịu thuế 5% với mặt hàng phân bón là cần thiết”,  Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề cập.