Đến năm 2050, 50% diện tích trồng trọt sử dụng phân bón hữu cơ


Theo Đề án về phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 mới được phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam phấn đấu có 50% diện tích trồng trọt sử dụng phân bón hữu cơ vào năm 2050.

Đặt mục tiêu đến năm 2050, 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ.
Đặt mục tiêu đến năm 2050, 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ.

Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Dựa theo đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên nền sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài để tiến đến nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và tạo ra nông sản an toàn, có giá trị gia tăng cao.

Cụ thể theo Đề án, mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương.

100% số tỉnh, thành phố có cán bộ kỹ thuật được tập huấn và tổ chức tập huấn cho các cơ sở buôn bán, người sử dụng về sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả.

Đồng thời lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng được các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia (lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn).

Nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên trên 30% so với tổng số sản phẩm phân bón. Lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt tối thiểu 20 triệu tấn/năm. 

Đặc biệt đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao trong khu vực, diện tích trồng trọt có sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 50%;

80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương;

100% nguồn nguyên liệu sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt…, được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong cả quy mô nông hộ và sản xuất công nghiệp. 

Nhiều giải pháp nhiệm vụ được đặt ra

Đề án đề ra nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phân bón; phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm phân bón hữu cơ; phát triển và nhân rộng các công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ;

Nâng cao nhận thức của người dân, chủ cơ sở buôn bán, doanh nghiệp sản xuất và cán bộ quản lý địa phương; thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; triển khai các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và xây dựng chuỗi liên kết. 

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.

Đề xuất các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành cơ sở pháp lý về phòng thử nghiệm kiểm chứng.

Tiến hành giải pháp thực hiện rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và chuyển đổi số.