Điều hành chính sách tiền tệ: Không chủ quan với lạm phát
Hoạt động ngân hàng có nhiều điểm tích cực nhưng vẫn cần đối sách phòng khi có biến động.
Những điểm sáng trong điều hành
Thông thường đầu tháng 7 là thời điểm các ngành nhìn lại công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm để có giải pháp phù hợp, đúng đắn trong những tháng cuối năm. Với ngành ngân hàng (NH), điều này có thể dễ nhận thấy khi nhìn lại công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) 6 tháng đầu năm với khá nhiều điểm tích cực.
Theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính – NH, ngành NH có nhiều điểm sáng:
Thứ nhất, điều hành CSTT đã tiếp tục theo hướng thận trọng và linh hoạt, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát và nhiều khả năng sẽ đạt lạm phát bình quân 4% theo Quốc hội đặt ra.
Thứ hai, với việc điều hành tỷ giá trung tâm theo hướng chủ động, thời gian qua, tỷ giá về cơ bản ổn định trong bối cảnh thị trường ngoại hối trên thế giới vẫn còn nhiều biến động: đô la Mỹ 6 tháng đầu mất giá khoảng 6%, những đồng ngoại tệ khác như Yên Nhật, EUR, Bảng Anh, Nhân dân tệ lên giá tương đối nhanh, dao động từ 2 - 6%. Trong khi đó tỷ giá VND/USD không những bị mất giá mà còn tăng giá nhẹ 0,1%. Qua đó cũng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, góp phần vào kiểm soát lạm phát.
Thứ ba, là tín dụng tăng trưởng tốt, theo TS. Cấn Văn Lực “Đây là cái được rất lớn trong điều hành CSTT”, hết 6 tháng tăng gần 8% (cùng kỳ năm ngoái là 6,82%). Tín dụng cũng được định hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất.
Thứ tư, CSTT tích cực phối hợp với chính sách tài khóa để hỗ trợ phát hành thành công TPCP với lãi suất TPCP phát hành giảm, qua đó cũng giảm đi chi phí chính sách. Đồng thời, các NH tích cực đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục gia tăng, đạt mức xấp xỉ 42 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay như Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng công bố cũng phần nào cho thấy những thành công của NHNN trong điều hành CSTT thời gian qua. Đặc biệt, tín dụng tăng mạnh nhất so với cùng kỳ 6 năm qua và được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. NHNN luôn theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông nhằm kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống...
Về chủ trương chống đô la hóa, NHNN đã và đang kiểm soát chặt chẽ việc cho vay vốn bằng ngoại tệ nhưng vẫn đảm bảo các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu vay vốn ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu trên thị trường quốc tế, đồng thời, duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Cẩn trọng cung tiền
Theo các chuyên gia những kết quả trên là khả quan nhưng thời gian tới NHNN vẫn phải lưu ý một số điểm, trong đó cần lường đón cả những tác động bên ngoài. Theo TS. Luật sư Bùi Quang Tín – Trường Đại học NH TP. Hồ Chí Minh, lưu ý trong điều hành tỷ giá cần quan tâm tới động thái lãi suất của FED. Dự kiến FED có thể tăng lãi suất vào tháng 9 hoặc vào cuối tháng 12 năm nay. Nhưng cũng có thể FED chọn cách điều hành khác là bán ra một lượng trái phiếu Chính phủ để thu tiền mặt vào. Khi họ có thể chọn một trong hai công cụ để điều hành thì sẽ tác động tới tỷ giá VND/USD.
Hiện Trung Quốc là quốc gia có quan hệ thương mại lớn thứ ba trong số các nước có giao thương với Việt Nam và đồng Nhân dân tệ nằm trong rổ tiền tệ tính tỷ giá trung tâm của chúng ta. Chính sách của NHTW Trung Quốc cũng có thể tác động tới tỷ giá. Còn về lượng cung cầu thị trường thì, với dự trữ ngoại hối 42 tỷ USD, cộng với lượng kiều hối, FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam đã tạo nên thanh khoản thị trường ngoại tệ rất tốt.
“Năm nay lạm phát bình quân hướng đến là dưới 4%, trong khi đó đến cuối tháng 6 này so với cuối tháng 6 năm ngoái, con số này tăng xấp xỉ 4% nên khi điều hành hỗ trợ thanh khoản, cơ quan quản lý không đẩy lãi suất liên NH xuống thấp quá. Bởi nếu để thấp quá sẽ lo ngại tăng cung tiền, dẫn tới lạm phát tăng. Điểm nữa là cần kiểm soát cung tín dụng cẩn trọng, tăng trưởng cao nhưng không hiệu quả sẽ lo ngại nguy cơ nợ xấu” - ông Bùi Quang Tín lưu ý.
Theo TS. Cấn Văn Lực, cơ quan điều hành cần phải tiếp tục phối hợp tốt chính sách để đảm bảo không chủ quan với lạm phát. Vì lạm phát có thể tăng trở lại khi một số mặt hàng thiết yếu có thể tiếp tục lộ trình tăng giá. Trong bối cảnh lượng cung tiền của năm ngoái và năm nay ở mức tương đối cao thì càng phải cẩn trọng.
Cũng với quan điểm kiểm soát chất lượng tín dụng, ông Lực cho rằng, tín dụng tăng trưởng khá tốt trong 6 tháng và nhiều khả năng hết năm nay ở mức 18%. Nhưng ông Lực lưu ý, phải nắn vốn vào lĩnh vực hiệu quả, kiểm soát rủi ro để đảm bảo chất lượng tín dụng. “Nên điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức 17-18% là phù hợp, không nên tăng lên mức 20% - mức tăng hơi “nóng” và có thể dẫn tới kém hiệu quả, tiềm ẩn nợ xấu tương lai” – TS. Cấn Văn Lực chia sẻ và nhắn nhủ, NHNN cần phải theo dõi chặt chẽ và có đánh giá trong bối cảnh FED có thể tăng lãi suất, gây áp lực với lãi suất, do đó phải giám sát, phải đón lường trước để có giải pháp kịp thời, phù hợp đảm bảo hoạt động tiền tệ hiệu quả.