Thấy gì qua con số tổng phương tiện thanh toán

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh/Theo Thoibaonganhang.vn

Tổng phương tiện thanh toán tăng chậm do tác động từ chi tiêu khu vực Chính phủ. Nên không thể chủ quan với việc kiểm soát sự gia tăng tổng phương tiện thanh toán khi mà mức tăng tổng phương tiện thanh toán 6 tháng chỉ đạt ở mức thấp (bằng khoảng 30% định hướng).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông cáo báo chí của Tổng cục Thống kê cho thấy, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã có sự khởi sắc rõ nét từ quý II/2017: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, riêng CPI tháng 6/2017 tăng 0,20% so với tháng 12/2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Thị trường tài chính ổn định và có chiều hướng phát triển tốt. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi có xu hướng giảm, theo đó trong quý I/2017 tỷ lệ thất nghiệp 2,30%, quý II ước tính là 2,26%.

Trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng tính đến thời điểm 20/6/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,69% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 8,07%). Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,54% - mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của DN cùng với thu nhập lãi của các ngân hàng có sự cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng so với thời điểm 31/12/2016.

Trong diễn biến tiền tệ 6 tháng đầu năm, điểm đáng lưu ý là tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán thấp so với mục tiêu 16-18% của cả năm. Đây cũng là một trong lý do giải thích về việc lạm phát cơ bản 6 tháng chỉ tăng 1,29% so với đầu năm. Như vậy nguyên nhân nào cho tổng phương tiện thanh toán tăng chậm?

Từ lý thuyết đến thực tế đều cho thấy có 3 nhân tố chính làm tăng tổng phương tiện thanh toán. Đó là tốc độ tăng tín dụng nền kinh tế, dự trữ ngoại tệ tăng và nét (tiền Chính phủ vay hệ thống ngân hàng và tiền gửi Chính phủ tại hệ thống ngân hàng) cho vay Chính phủ ròng. Trong đó tác động của tín dụng là mạnh nhất vì tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng phương tiện thanh toán khoảng 70-77% .

Thực tế 6 tháng đầu năm 2017 tín dụng tăng 7,54% song tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 5,69%. Vậy sẽ phải có một nhân tố làm giảm đáng kể sự gia tăng tổng phương tiện thanh toán. Nhân tố dự trữ ngoại tệ được loại bỏ, vì dự trữ ngoại tệ tăng, các khoản khác ròng ít biến động và chiếm tỷ lệ nhỏ. Như vậy nét cho vay Chính phủ ròng chính là nhân tố làm giảm mạnh sự gia tăng của tổng phương tiện thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2017.

Thu chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm nay cũng cho thấy: Tổng thu ngân sách Nhà nước tính đến thời điểm 15/6/2017 ước tính đạt 500,9 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước tính lên tới 533,4 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển mới đạt 83,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23,3% dự toán năm.

Xét tổng thể cho thấy, thu ngân sách Nhà nước đạt cao hơn chi ngân sách so với  dự toán. Đặc biệt đáng chú ý đó là chi cho đầu tư phát triển chỉ đạt 23,3% dự toán ngân sách. Điều này sẽ làm cho tiền gửi ngân sách tại hệ thống ngân hàng tăng mạnh so với cuối năm 2016, làm cho nét cho vay Chính phủ ròng giảm, dẫn tới làm giảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán.

Như vậy, tổng phương tiện thanh toán tăng chậm do tác động từ chi tiêu khu vực Chính phủ. Nên không thể chủ quan với việc kiểm soát sự gia tăng tổng phương tiện thanh toán khi mà mức tăng tổng phương tiện thanh toán 6 tháng chỉ đạt ở mức thấp (bằng khoảng 30% định hướng). Bởi từ nay đến cuối năm, Chính phủ đã chỉ đạo phải đẩy mạnh giải ngân cho đầu tư phát triển đảm bảo thực hiện đúng dự toán, điều này sẽ làm gia tăng mạnh tổng phương tiện thanh toán. 

Để kiểm soát có hiệu quả tổng phương tiện thanh toán, NHNN cần có sự theo dõi sát sao chi tiêu khu vực Chính phủ để đảm bảo trung hòa hàng hóa kịp thời sự gia tăng chi tiêu khu vực Chính phủ làm tăng tổng phương tiện thanh toán, đảm bảo kiểm soát bền vững lạm phát trong những năm tiếp theo.