Điều hành kinh tế vĩ mô không để bị động, bất ngờ


Đó là yêu cầu chỉ đạo tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến với các địa phương tháng 6 năm 2019.

Phiên họp trực truyến ngày 4/7/2019 của Chính phủ với 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Phiên họp trực truyến ngày 4/7/2019 của Chính phủ với 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Phải đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả công tác điều phối giữa các cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô; thường xuyên theo dõi, đánh giá, phân tích tình hình kinh tế thế giới và trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Điều hành kinh tế vĩ mô không để bị động, bất ngờ - Ảnh 1

Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, thường xuyên theo dõi sát diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế nhằm kịp thời đề ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các ngành kinh tế; ưu tiên quan tâm lợi ích của người dân và doanh nghiệp, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, huy động các nguồn vốn đầu tư...''

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chính phủ yêu cầu từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có giải pháp cụ thể khắc phục ngay tồn tại, hạn chế.

Thường xuyên theo dõi, linh hoạt ứng phó phù hợp với diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, tích cực huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong tổ chức triển khai nhiệm vụ, nỗ lực phấn đấu tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trong ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Tiếp tục cơ cấu lại NSNN và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tập trung thực hiện các giải pháp quản lý thu ngân sách nhà nước, phấn đấu vượt kế hoạch đề ra; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế, chống chuyển giá.

Khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng BT; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung về thuế trong giá cơ sở tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu. Triển khai các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng theo quý và cả năm của cả nước, của từng ngành, lĩnh vực, kịp thời chỉ đạo, điều hành phù hợp với diễn biến tình hình; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công theo Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017; khẩn trương hoàn thành việc giao, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định; kiên quyết điều chỉnh, cắt giảm vốn từ các dự án giải ngân thấp, chuyển sang dự án đang có nhu cầu bổ sung vốn...

Đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước chủ động theo dõi, đánh giá tác động thị trường tài chính tiền tệ thế giới, triển khai các công cụ của chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định thị trường ngoại tệ; phối hợp hài hòa với các chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận vốn tín dụng phục vụ đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế tín dụng đen. Triển khai mạnh mẽ các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng thương mại yếu kém; tăng cường năng lực tài chính, quản trị, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống. Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2014/NĐ-CP.

Tăng cường quản lý nhà nước về chống gian lận xuất xứ

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương có giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp; phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ, chú trọng phát triển sản xuất linh kiện, cụm linh kiện.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; tăng cường công tác quản lý việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O; xử lý nghiêm các trường hợp gian lận xuất xứ Việt Nam." 

Trích Nghị quyết phiên họp Chính phủ.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, sớm đưa các dự án, công trình công nghiệp trọng điểm, có sức lan tỏa cao đi vào hoạt động, nhất là các dự án năng lượng. Khẩn trương báo cáo đánh giá về phương thức tính giá, biểu giá điện, đề xuất giải pháp có lợi nhất cho người dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc của các dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1 và Sông Hậu 1. Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có phương án bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách tập trung thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, lựa chọn lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp, có cơ chế, chính sách tập trung thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tránh  tình trạng lợi dụng núp bóng đầu tư.

Nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thành lập Tổ công tác về thu hút, đón làn sóng FDI mới; xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài. Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng quy hoạch theo quy định pháp luật hiện hành; hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về thực hiện quy định chuyển tiếp của Luật Quy hoạch, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 7 năm 2019.

Quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ phòng chống, khống chế, dập dịch bệnh tả lợn Châu Phi, không để ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cộng đồng; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, chủ động nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm. 

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan Trung ương chỉ đạo các địa phương ven biển và các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, hướng dẫn ngư dân khai thác thủy sản bền vững, ngăn chặn hiệu quả việc đánh bắt cá bất hợp pháp. Phối hợp với Bộ Công Thương tích cực đàm phán với các đối tác, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản, phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra.

Theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương có biện pháp cụ thể để phòng, chống thiên tai, hạn hán, nắng nóng và lụt bão; cung cấp đủ nước cho sản xuất; chú trọng phòng, chống cháy rừng; giữ an toàn đê điều, hồ đập.