Điều tiết ngân sách nhằm đảm bảo công bằng giữa các địa phương
Trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Chính phủ giải đáp các vấn đề về việc điều tiết ngân sách địa phương năm 2017 được đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Tài chính cho biết, theo Luật Ngân sách, ngân sách nhà nước là thống nhất giữa Trung ương và địa phương, trong đó ngân sách Trung ương là chủ đạo. Sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, sẽ tính lại tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối ngân sách cho các địa phương.
Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố với đặc điểm địa lý, hạ tầng kinh tế xã hội khác nhau kéo theo đó thu ngân sách của các địa phương rất khác nhau. Đơn cử, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm xấp xỉ 50% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước.
Hiện nay, 16 địa phương có thu điều tiết về ngân sách trung ương chiếm tỷ trọng khoảng 80% tổng thu ngân sách nhà nước cả nước.
"Số thu bình quân 1 năm của Bắc Kạn chưa tới 600 tỷ đồng và chưa bằng số thu 1 ngày của TP. Hồ Chí Minh". Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong bối cảnh ngân sách trung ương khó khăn như hiện nay, sự sẻ chia từ các địa phương lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... là rất cần thiết với ngân sách trung ương nói chung và các địa phương khó khăn nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết: “Trong quá trình xây dựng dự toán năm 2017, báo cáo các cấp có thẩm quyền, chúng tôi đã xây dựng phương án để tạo sự công bằng nhất định đối với các địa phương”. Từ đó, không để khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền quá lớn.
Đối với TP. Hồ Chí Minh, trên cơ sở hệ thống định mức phân bổ chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên đã được quyết định thì tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được giữ lại của TP. Hồ Chí Minh năm 2017 là 17%, giảm 6% so với thời kỳ 2011-2016.
Trước những lo ngại của đại biểu quốc hội về mức giảm điều tiết ngân sách như trên của TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, không chỉ có TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được giữ lại của Hà Nội cũng giảm 10%, từ 42% xuống 32%; Hải Phòng giảm 21%, từ 88% xuống 67%; Đà Nẵnggiảm 30%, 85% xuống 55%; Đồng Nai giảm 7%,từ 51% xuống 41%; Bình Dương 40% xuống 34%, giảm 6%...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Chính phủ trình Quốc hội dành một khoản 14.450 tỷ đồng để xử lý hỗ trợ thêm cho các địa phương này, bảo đảm tỷ lệ điều tiết của các địa phương này không giảm quá lớn. Trong đó, phân bổ 10.000 tỷ đồng cho chi đầu tư phát triển, 4.450 tỷ đồng cho chi thường xuyên.
Nhờ đó, tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng của TP. Hồ Chí Minh đã nâng lên 18%, giảm 5% so với giai đoạn 2011-2016. “Mức này cao hơn mức chi bình quân của các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ.” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định.
Tương tự, tỷ lệ điều tiết của các địa phương khác cũng được nâng lên so với định mức điều tiết: Hà Nội lên 35% giảm 7%, Hải Phòng lên 78% giảm 10%, Đà Nẵng lên 68% giảm 17%; Đồng Nai lên 47% giảm 4%, Bình Dương lên 36% giảm 4% so với giai đoạn trước.
Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt còn được hưởng những ưu đãi đặc biệt từ Trung ương như phân bổ tăng thêm 70% định mức chi cho hoạt động kinh tế để xử lý môi trường, đảm bảo an sinh, an ninh trật tự…
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã kêu gọi các địa phương lớn, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh chia sẻ khó khăn với ngân sách Trung ương.
Mặc dù, không được giữ lại khoản ngân sách khá lớn mỗi năm nhưng bù lại Chính phủ sẽ phân bổ ODA và các nguồn vốn cho chương trình chống ngập và xây dựng bệnh viện tuyến cuối nhằm bảo đảm bảo tổng vốn đầu tư cho phát triển của TP. Hồ Chí mInh trong 3 năm tới sẽ không giảm.