Nhiều điểm mới trong Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sửa đổi
Ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) với nhiều điểm mới nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản công.
Theo đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi được xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong đó, kế thừa những nội dung, quy định hiện hành còn phù hợp, đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tế; sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý trong tình hình mới; đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng nắm chắc, hạch toán đầy đủ tài sản công cả về giá trị và hiện vật; coi tài sản công là nguồn lực quan trọng; quy định các cơ chế quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
“Việc sửa đổi Luật sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công…”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Theo Tờ trình của Chính phủ, so với Luật Tài sản Nhà nước năm 2008 có 6 Chương 39 Điều, Dự thảo Luật sửa đổi lần này có bố cục gồm 10 Chương, 137 Điều với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung mới. Trong đó, có 5 chương quy định về các vấn đề chung và 5 chương quy định chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công.
Trên cơ sở quy định tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2014 và thực tiễn công tác quản lý thời gian vừa qua, Dự thảo đã giải thích khái niệm tài sản công theo hướng làm rõ những đặc tính cơ bản của tài sản công về chế độ sở hữu, quyền quản lý, quyền đại diện chủ sở hữu, nguồn gốc hình thành và những loại tài sản chủ yếu.
Dự thảo Luật sửa đổi cũng đã điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy định cụ thể về quản lý nhà nước đối với tài sản công và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước đối với tài sản công. Đáng chú ý là các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại từng loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đặc biệt, Dự thảo Luật quy định giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc cho Chính phủ thay cho thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay; bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức được chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm tuân thủ, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong toàn bộ quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua.
Dự thảo Luật cũng bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công bao gồm: Mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự thực hiện quản lý vận hành, hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện quản lý vận hành tài sản công để tăng cường tính chuyên nghiệp trong quản lý vận hành tài sản công.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Dự thảo bãi bỏ quy định về việc xác định lại giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính để giảm thủ tục hành chính và chi phí xác định lại giá trị tài sản; tăng quyền tự chủ về tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư trong việc quyết định định mức sử dụng tài sản, bảo đảm tài sản phục vụ hoạt động, sử dụng kết quả khai thác tài sản, huy động vốn đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản.
Cùng với đó, Dự thảo Luật sửa đổi cũng quy định điều kiện trang bị tài sản công theo hướng ưu tiên áp dụng các phương thức trang bị theo thứ tự ưu tiên là khoán kinh phí, thuê tài sản, mua sắm, đầu tư xây dựng. Trong đó, "khoán kinh phí là phương thức được ưu tiên khi có nhu cầu sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác." – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Dự thảo cũng chỉ ra những hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công như: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản công dưới mọi hình thức; Đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật; Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng, chiếm đoạt sử dụng trái phép tài sản công; Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Quy định xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công cũng được Dự thảo Luật quy định cụ thể. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Một điểm mới đáng chú ý khác là Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình.
Theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội và nhiều đại biểu cũng đã nhất trí sửa lại tên luật là: “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công” nhằm bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật dân sự 2015.