Điều Trung Quốc không ngờ, tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son khoanh tay cho ARM nghỉ chơi với Huawei

Theo Anh Mai/nhadautu.vn

Nhà mạng Nhật Bản Softbank và quỹ Vison Fund được dẫn dắt bởi tỷ phú Masayoshi Son hiện đang kiểm soát ARM - hãng thiết kế vi xử lý có trụ sở ở nước Anh vừa tuyên bố "nghỉ chơi" với Huawei khi chính phủ Mỹ đưa hãng công nghệ Trung Quốc này vào danh sách đen.

Trang The Verge chuyên về công nghệ ngày 19/5 (giờ Mỹ) nhận định: "Ngày cuối tuần xui xẻo của Huawei đang trở nên tồi tệ hơn, khi các nhà cung cấp đến từ Mỹ nhất trí với chỉ đạo của chính phủ Mỹ về việc cấm họ làm ăn với công ty này".

Nối tiếp Google, hàng loạt hãng công nghệ khác như Intel, Qualcomm, Xilinx, Broadcom và thậm chí cả nhà cung cấp thiết kế kiến trúc chip cho thiết bị di động là ARM đã lần lượt nói lời "nghỉ chơi" khi chính phủ Mỹ đưa hãng công nghệ Trung Quốc này vào danh sách đen trong hoạt động thương mại.

huawei

Hàng loạt hãng công nghệ lớn đã lần lượt nói lời "nghỉ chơi" với Huawei.

Theo nguồn tin độc quyền từ tờ South China Moring Post, hãng công nghệ Microsoft của nhà sáng lập Bill Gates cũng tuyên bố ngừng cung cấp hệ điều hành Windows cho các máy tính của Huawei.

"Cái hất tay" của ARM được đánh giá là một đòn đánh mang tính quyết định dành cho ông lớn số 1 thị trường smartphone Trung Quốc. Trong một bức thư nội bộ, ARM yêu cầu nhân viên "dừng toàn bộ các hợp đồng đang có hiệu lực, dừng hỗ trợ và các thương vụ đang tiến hành" với Huawei. Sau đó, nhà thiết kế chip của Anh đã lên tiếng khẳng định chính thức rằng quyết định này là chính xác.

Ai sở hữu ARM?

ARM Holdings, tên tiếng Anh là Advanced RISC Machines (ARM) Ltd., là một hãng thiết kế vi xử lý có trụ sở ở nước Anh.

ARM Holdings được thành lập tháng 10/1990 với tên gọi Advanced RISC Machines Ltd và cơ cấu như là một liên doanh giữa Acorn Computers, Apple Computer (bây giờ là Apple Inc.). Công ty mới nhằm đẩy mạnh sự phát triển của bộ vi xử lý Acorn RISC Machine, ban đầu được sử dụng trong Acorn Archimedes sau đó được Apple chọn cho dự án Newton của họ.

Năm 1998 công ty đổi tên từ Advanced RISC Machines Ltd thành ARM Ltd. Công ty IPO lên sàn London Stock Exchange và NASDAQ năm 1998 và tháng 1/1999, cổ phần của Apple đã giảm xuống còn 14,8%. Hiện không rõ Apple còn nắm giữ cổ phần tại ARM hay không.

Con chip này có mặt trên một chiếc máy tính mang thương hiệu Acorn, dùng kiến trúc RISC. Tên đầy đủ của cỗ máy là "Acorn RISC Machine", hay viết tắt là ARM.

Trong suốt 30 năm, ARM vươn lên mạnh mẽ. Những thế mạnh phát huy từ con chip đầu tiên cho Apple (trên chiếc máy Newton) đã giúp cho ARM trở thành đại diện của thế giới smartphone. Ví dụ, Nokia N-Gage (2002) dùng chip ARM920T, Sony Ericsson P990 dùng chip ARM9, BlackBerry 7230 dùng ARM 9EJ-S...

Ngày 18/7/2016, nhà mạng Nhật Bản Softbank được dẫn dắt bởi tỷ phú Masayoshi Son đã đạt được thỏa thuận mua lại ARM. Các giao dịch được hoàn tất vào ngày 5/9/2016. Softbank đã bỏ ra 32 tỷ USD để thâu tóm ARM.

Công ty Nhật Bản cho thấy họ đang thâu tóm một phần rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành điện tử thế giới, một công ty mà ngay cả Apple cũng phải dựa vào để tạo ra con chip cho thiết bị của mình.

Đầu tư mạnh vào Trung Quốc

SoftBank là tập đoàn viễn thông lớn nhất Nhật Bản được Masayoshi Son thành lập năm 1981 tại Tokyo. Hoạt động của tập đoàn bao gồm viễn thông cố định, thương mại điện tử, Internet, dịch vụ công nghệ, tài chính, truyền thông đại chúng, thiết kế bán dẫn cùng nhiều lĩnh vực khác.

Masayoshi Son cũng là một trong những tỷ phú giàu nhất nước Nhật với khối tài sản trị giá 22,6 tỷ USD theo thống kê của Forbes ngày 27/5/2019. 

Trong những năm qua, Masayoshi Son nổi bật trong giới công nghệ. Ông được xếp vào danh sách những nhà đầu tư khổng lồ với Quỹ Tầm nhìn (Vision Fund) trị giá 100 tỷ USD của Softbank. Đơn vị đầu tư vào hàng loạt doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau như gọi xe, làm chip, văn phòng chia sẻ, xây dựng vệ tinh, làm robot và thậm chí là dự án trồng cải trong nhà.

Các nhà đầu tư vào Vision Fund của tỷ phú Son bao gồm Apple, Qualcomm, Foxconn, văn phòng gia đình của tỷ phú Larry Ellison - nhà sáng lập và chủ tịch tập đoàn công nghệ máy tính Oracle - và quỹ quản lý tài sản của Ả Rập Saudi.

ty phu son

Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SoftBank Masayoshi Son công bố doanh thu của tập đoàn trong cuộc họp báo tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 7/8/2017.

Trước thương vụ mua lại ARM - thương vụ công nghệ lớn nhất từng có tại châu Âu, năm 2013, SoftBank mua lại công ty viễn thông Sprint của Mỹ với giá 22,2 tỷ USD, nhà phát triển games Phần Lan với giá 1,5 tỷ USD.

SoftBank Group và Vision Fund của tỷ phú Masayoshi Son đã rót hàng tỷ USD vào Trung Quốc. Cả hai đều là nhà đầu tư của Didi Chuxing - startup gọi xe lớn nhất Trung Quốc, từng thâu tóm Uber tại nước này vào năm 2016, cũng như hãng truyền thông xã hội khổng lồ Bytedance Ltd. và startup trí tuệ nhân tạo SenseTime Group Ltd.

Vision Fund còn dự kiến rót 1,5 tỷ USD vào nền tảng giao dịch ôtô đã qua sử dụng Chehaoduo Group của Trung Quốc, một động thái lớn nữa của quỹ đầu tư Nhật vào thị trường ôtô lớn nhất thế giới.

Tại Trung Quốc, quỹ này cũng đã rót vốn vào startup vận tải Full Truck Alliance Co. và startup giáo dục trực tuyến Zuoyebang, nền tảng chia sẻ văn phòng WeWork...

Năm 2000 là thời điểm tỷ phú Son gặp Jack Ma, người sáng lập hãng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc - Alibaba và đã đầu tư 20 triệu USD với lời hứa sẽ giúp họ trở thành Yahoo! tiếp theo. 

b-trumpjobs-a-20161231

Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp gỡ với tỷ phú Masayoshi Son tại Tháp Trump ở New York tháng 12/2016.

Tháng 12/2016, ngay sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã có cuộc gặp gỡ với tỷ phú Masayoshi Son tại Tháp Trump ở New York.

Kết thúc cuộc gặp gỡ, Masayoshi Son tuyên bố tập đoàn của ông sẽ đầu tư 50 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp tại Mỹ với kỳ vọng sẽ tạo thêm 50.000 việc làm mới cho thị trường Mỹ.

Tại buổi tiệc đón Tổng thống Donald Trump ở tư gia của Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản tối 25/5 vừa qua khi Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước 4 ngày, trong số những chủ doanh nghiệp hiện diện tại bữa tiệc, Masoshioshi Son của Softbank có lẽ là gương mặt nhận được nhiều thiện cảm nhất của ông Trump, hãng tin Bloomberg bình luận. 

Hiện tại, vị tỷ phú 61 tuổi vẫn không ngừng theo đuổi tham vọng với tầm nhìn 300 năm của mình: một tương lai khi mọi người sử dụng di động, gọi xe, gọi đồ ăn, lưu trú, thanh toán hay khám bệnh đều dùng dữ liệu liên quan đến một công ty nào đó thuộc SoftBank. Theo Son, ai kiểm soát được dữ liệu, người đó sẽ kiểm soát được thế giới.

Trở lại câu chuyện của Huawei, khi bị Google 'chia tay', Huawei ngay lập tức có hệ điều hành khác thay thế nhưng rồi sau đó Huawei rơi vào thế "thập diện mai phục" khi lần lượt các công ty công nghệ hàng đầu khác cũng quyết định dừng hợp tác hãng này. Và đỉnh điểm khi đối tác bán chip cho Huawei là ARM tuyên bố quay lưng, nhiều nhận định cho rằng Huawei sẽ chấm hết vì đơn giản không có chip sẽ chẳng còn gì nữa. Huawei hiện dựa vào ARM để thiết kế kiến trúc chip cho bộ xử lý Kirin. Nếu không có giấy phép, hãng smartphone Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục sản xuất bộ xử lý cũng như duy trì hoạt động của công ty con HiSilicon.

Huawei phụ thuộc vào ARM, ARM lại đang nằm trong tay tỷ phú Son. Với một người đã và đang đặt quá nhiều '"trứng" vào "giỏ" Trung Quốc, có lẽ Trung Quốc tin tưởng rằng tỷ phú Son sẽ không dám quay lưng. Nhưng sự thực ARM của tỷ phú giàu hàng đầu Nhật Bản này đã chính thức đoạn tuyệt với Huawei và giấc mộng tự sản xuất chip của công ty smartphone hàng đầu Trung Quốc cũng tan vỡ.