Doanh nghiệp BOT sẽ được tự quyết định mức phí thu trên đường cao tốc?
Cao tốc là đường chất lượng cao, đường tốt, phương tiện đi vào sẽ phải trả tiền nhưng nếu nhà đầu tư đưa ra mức giá cao quá dẫn đến phương tiện sẽ không đi vào.
Doanh nghiệp BOT có thể sẽ được toàn quyền quyết định về mức phí đường cao tốc nếu như dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi (do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xây dựng) được thông qua.
Bỏ mức trần phí đường cao tốc
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi trao cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định giá (phí) tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án do Bộ quản lý; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định giá tối đa với các dự án do địa phương quản lý, thay vì Bộ Tài chính quy định như luật hiện hành.
Đặc biệt, dự thảo Luật Giao thông đường bộ lần này đề xuất Nhà nước không quy định mức giá tối đa đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc để kinh doanh.
Với đường cao tốc, mức phí được quy định trong hợp đồng dự án, theo nguyên tắc bảo đảm lợi ích giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, người sử dụng, Nhà nước và tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận.
Trường hợp dự án có rủi ro, Nhà nước cho phép được kéo dài thời gian thu, tăng mức thu và các hình thức chia sẻ rủi ro khác.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng hiện nay mức phí trần từng tuyến cao tốc sẽ tùy thuộc vào phương án tổ chức tài chính xây dựng từ đầu, cũng không phải tự ý nhà đầu tư muốn tăng.
“Cao tốc là đường chất lượng cao, đường tốt, phương tiện đi vào sẽ phải trả tiền nhưng nếu nhà đầu tư đưa ra mức giá cao quá dẫn đến phương tiện sẽ không đi vào, giống như bán hàng giá đắt sẽ bán được ít,” ông Huyện đưa ra so sánh.
Tuy nhiên, ông Huyện cho biết nhiều nước trên thế giới đã bỏ việc quản lý mức trần phí cao tốc, thậm chí còn điều tiết mức phí theo giờ cao điểm và thấp điểm, như vậy mới hiệu quả.
Chỉ nên áp dụng với tuyến đường song hành
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát đưa ra ý kiến doanh nghiệp vận tải rất phản đối việc “thả nổi” mức phí trần cao tốc cho nhà đầu tư quyết định.
“Nhiều tuyến cao tốc hiện nay ép buộc xe kinh doanh vận tải phải đi vào như tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ, xe ôtô không được đi Quốc lộ 1 mà bắt buộc phải chạy vào cao tốc. Hơn nữa, nếu nhà đầu tư đường cao tốc tăng phí kéo theo các nhà đầu tư BOT đường Quốc lộ cũng nhìn nhau mà tăng phí, lúc đó khó khăn đổ vào đầu doanh nghiệp và người dân,” ông Bằng đánh giá.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng việc thu phí với tất cả đường cao tốc chỉ nên áp dụng với tuyến đường có sự lựa chọn khác cho người dân.
Lý giải rõ hơn, theo ông Quyền, thực tế ở nước ta, người dân vẫn chưa có sự lựa chọn đường để đi, khi nhiều tuyến đường song song với đường cao tốc hiện nay đều thu phí. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải không nên “thả nổi” mức phí với đường cao tốc.
Đưa ra kinh nghiệm với nhiều nước trên thế giới mức phí cao tốc được thả nổi, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam chỉ ra nguyên nhân là do các tuyến đó đều có đường song song đầu tư bằng ngân sách Nhà nước và miễn phí cho người sử dụng.
“Người dân có quyền chọn đi đường miễn phí do Nhà nước đầu tư, với chất lượng có thể kém hơn, đường xa hơn, hoặc trả phí để đi đường cao tốc,” ông Quyền cho hay.
Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được Bộ Giao thông Vận tải đang chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến, phí bảo trì đường bộ vẫn thu trên đầu phương tiện nhưng chỉ áp dụng với đường bộ thông thường, còn đường cao tốc (hoặc đường vành đai đô thị đầu tư theo tiêu chuẩn cao tốc) sẽ thu phí riêng tại từng dự án.
Quy định này khác luật hiện hành, khi phương tiện đã nộp phí bảo trì, các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách Nhà nước (kể cả đường cao tốc) sẽ không thu phí như tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương; các tuyến vành đai 3 Hà Nội, tuyến đường Võ Nguyên Giáp (đi sân bay Nội Bài, Hà Nội) dù đầu tư theo tiêu chuẩn cao tốc nhưng không thu phí…