Bộ Giao thông vận tải không đồng ý đề xuất giảm phí BOT
Ngày 24/3, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có ý kiến trả lời Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) và Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội về đề xuất giảm phí BOT 3%-5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để giảm chi phí vận tải trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo Bộ GTVT, chi phí của các phương tiện vận tải qua trạm thu phí BOT là mức giá được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án. Thời gian qua, các doanh nghiệp BOT đã gặp nhiều khó khăn do phải giảm phí cho một số loại phương tiện và chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng dự án. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng xe tiếp tục giảm dẫn đến doanh thu các trạm BOT càng thấp.
Trong khi đó, các ngân hàng đang yêu cầu doanh nghiệp BOT huy động vốn bổ sung cho phần doanh thu thiếu hụt để tránh nguy cơ phải tái cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ. Do đó, Bộ GTVT đề nghị các doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp BOT.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giảm các loại phí do Nhà nước quản lý để giảm chi phí vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong và sau dịch Covid-19.
Trong một động thái nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TPHCM vừa có hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất nếu các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.
Các đối tượng được áp dụng là doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, dệt may, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác.
Doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (22%) khi có một trong các điều kiện sau: không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
Thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đến hết tháng 6-2020. Sau đó, trong trường hợp dịch Covid-19 chưa giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị, BHXH TPHCM sẽ tiếp tục giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12-2020.
Trong thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, doanh nghiệp vẫn phải đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tỷ lệ là 10% quỹ tiền lương. Sau thời gian trên, doanh nghiệp phải đóng bù và không bị tính lãi chậm đóng.