Doanh nghiệp cần được “tiếp sức” để khôi phục sản xuất
Hội đồng Tư vấn kinh tế - văn hóa - xã hội (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên) vừa tiến hành đợt khảo sát tác động của dịch bệnh COVID-19 tại các doanh nghiệp: Công ty cổ phần (CTCP) IDP, CTCP Bá Hải, Công ty TNHH Thu Thảo và Trường mầm non Ong Vàng. Đợt khảo sát nhằm tìm hiểu những khó khăn của doanh nghiệp và việc triển khai chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Khó khăn chồng chất
Đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Hầu hết hoạt động của doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh.
Ông Ngô Đa Thọ - Chủ tịch HĐQT CTCP IDP cho biết: Hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Xí nghiệp Nhựa của công ty tại KCN Hòa Hiệp gặp rất nhiều khó khăn, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng từ 20-30%. Nguồn cung ứng nguyên liệu gặp khó khăn do một số cơ sở cung ứng có người mắc COVID-19, phải tạm đóng cửa. Ngoài ra, chi phí vận chuyển tăng 5%, thời gian vận chuyển tăng 50% vì thêm thời gian kiểm dịch, khử khuẩn và khâu cách ly đối với lái xe… Lợi nhuận năm 2021 của xí nghiệp giảm 14% so với năm 2020.
Còn ông Lê Văn Hồng - Giám đốc CTCP Bá Hải cho hay: Dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng 5-6 lần so với trước, hàng hóa bị ứ đọng, từ đó phát sinh thêm kho bãi để chứa hàng chờ xuất bán. Những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc công ty chậm trễ xử lý thanh toán tiền lương hàng tháng cho người lao động, nợ tiền cơ quan bảo hiểm xã hội, chậm giải quyết các chế độ bảo hiểm cho người lao động.
Dịch bệnh COVID-19 cũng tác động tiêu cực đến hoạt động ngành Du lịch, dịch vụ. Bà Cao Lê Hoài Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thu Thảo (Khách sạn Hùng Vương) cho biết: Lượng khách du lịch đến Phú Yên năm 2021 sụt giảm rất lớn. Khách sạn Hùng Vương không có khách với hơn 50 phòng nghỉ và các dịch vụ kèm theo như: nhà hàng, hội nghị, spa - massage, cà phê... và hơn 40 nhân viên làm việc tại các bộ phận lễ tân, buồng phòng, nhà hàng, bếp, bảo vệ - kỹ thuật... phải tạm ngưng hoạt động từ 5-6 tháng, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Không có khách hàng sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp không có nguồn thu để trang trải các chi phí, không thể đảm bảo đời sống nhân viên, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực sau này; thiếu chi phí cải tạo và nâng cấp dịch vụ để tái khởi động ngành Du lịch...
Giải quyết các chính sách hỗ trợ còn trở ngại
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua khảo sát, các doanh nghiệp báo cáo đều được các cơ quan chức năng của tỉnh phổ biến kịp thời, thông tin đầy đủ và hướng dẫn cụ thể, chi tiết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 gồm: Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ…; nhưng thực tế các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Ngô Đa Thọ cho biết: Công ty đã hoàn thành hồ sơ đề nghị nhận tiền hỗ trợ người lao động và nộp lên Chi cục Thuế TP. Tuy Hòa từ tháng 7/2021 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021. Tuy nhiên đến nay đơn vị vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Ông Lê Văn Hồng và bà Cao Lê Hoài Thảo cũng thông tin: Thực tế rất khó để tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng, dẫn đến công ty thiếu hụt nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Đối với Trường mầm non Ong Vàng, bà Lê Thị Kim Liến, hiệu trưởng trường này thẳng thắn nhìn nhận một số giáo viên, nhân viên mới công tác chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên không thuộc đối tượng được nhận sự hỗ trợ nào từ chính quyền, Mặt trận cũng như các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện. Đời sống của giáo viên, nhân viên rất khó khăn, buộc họ phải tìm công việc khác, do vậy nguy cơ thiếu hụt đội ngũ giáo viên có chuyên môn khi nhà trường hoạt động trở lại là điều khó tránh khỏi.
Cần tháo gỡ khó khăn
Qua khảo sát tại 4 doanh nghiệp và thu thập thông tin từ thực tế, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hầu hết doanh nghiệp đều khó khăn, rất cần được “tiếp sức” để có thể tiếp tục khôi phục sản xuất bằng cả chính sách tài khóa lẫn phương án phòng chống dịch bệnh. Xuất phát từ thực tế, các doanh nghiệp mong muốn sớm được chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động theo chính sách của Nhà nước. Trong đó, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị giãn thời hạn nộp thuế và giảm đối với một số loại thuế.
Về tín dụng - ngân hàng, các doanh nghiệp đề nghị giảm tỉ lệ phù hợp các loại phí ngân hàng cho doanh nghiệp. Các khoản vay ngắn, trung và dài hạn cần có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay ít nhất 4%/năm (tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009) tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế, thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng, kể từ tháng 8/2021.
Khoản vay của doanh nghiệp để trả lương cho người lao động và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cần có chính sách hỗ trợ lãi suất. Thực hiện khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản nợ mà khách hàng không có khả năng trả đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19 mà không bị ảnh hưởng nhảy nhóm nợ.
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng các thời hạn được quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN quá ngắn so với những khó khăn của doanh nghiệp đã và đang gặp phải do dịch bệnh đến nay chưa có dấu hiệu giảm. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước có văn bản mới gia hạn các điều khoản trong thông tư này ít nhất 1 năm nữa hoặc hết thời điểm Việt Nam công bố tình trạng bình thường mới. Nên thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và phản hồi phản ánh từ doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do dịch bệnh kéo dài. Khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3% kể từ 1/7/2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại. Đồng thời mong muốn các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận khoản vay tín dụng mới để thực hiện dự án.
Liên quan đến người lao động, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên cập nhật và đánh giá ít nhất 3 tháng/lần việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 để tránh tình trạng các doanh nghiệp không tiếp cận được hoặc rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đối tượng hỗ trợ tại nghị quyết này cũng nên được mở rộng cho cả toàn bộ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực hộ và cá nhân kinh doanh.
Đồng thời có các biện pháp mạnh hơn trong việc hỗ trợ tiền trực tiếp cho người lao động. Tiền bảo hiểm bắt buộc và kinh phí công đoàn nên được miễn trong thời gian người lao động bị ngừng/chờ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời hạn nộp các loại bảo hiểm cho người lao động cũng nên cho phép giãn/hoãn ít nhất đến cuối năm 2022.
Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên cần làm việc với ngành Điện để giảm ít nhất 20% tiền điện cho tất cả các đối tượng sử dụng trong thời hạn hết năm 2021. Ngoài ra, UBND tỉnh nên kiểm kê các loại quỹ hiện có để xem xét dành một phần hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong tình hình cấp bách nhằm sớm phục hồi sản xuất, giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn và ổn định việc làm trở lại.
Với tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, việc không có ca F0 trong cộng đồng là điều rất khó, vì vậy tỉnh Phú Yên cần linh hoạt hơn trong công tác phòng chống dịch để doanh nghiệp có cơ sở điều chỉnh quy trình kinh doanh; đẩy mạnh những quyết sách giúp doanh nghiệp lấy lại đà sản xuất và thị trường xuất khẩu trong thời gian sớm nhất.